Notes taken, thoughts given

November 29th, 2006 § 0

Cà phê:
Watching waiting.

Phòng đào tạo:
Straight way to WCO.

Hà Nội:
Just turn around and stare into the sun.

Kọt:
Lose someone to gather something. Not really unfair.

Blast của Mai:
Don’t give out any more shit. Our world is full already.

Nhi’s:
This is how you remind me of what I really am.

Ga:
Waste of time, waste of money, waste of words.

CuteFTP:
Killing simultaneously.

Hands:
Origin of Happiness and Face Slaps.

Holier-Than-Thous:
Leave me alone you’re noThing to me.

Blackmore’s Night:
Ước gì có anh ở đây, ôi thằng nhà quê, ước gì mày có ở đây…

Chửi bới:
Bận chửi bới, không rảnh để nghe chửi bới.

Uni:
versities are bullshit, corns have horns, CEF did not help, code I’m using, fy takes forever, ted States they are, que thou art, verse I am.

Dogs and Cats:
Rồi trăm năm nữa ngàn năm nữa
Mèo chó hơn nhau một chữ tài.

Darling, Hà Nội phố - RAM

November 25th, 2006 § 0

Tiếng dữ đồn xa. Cái blog của “bé Crys” mấy hôm nay nhận được cả mớ lời khen tặng của cư dân cả Sài Gòn lẫn Hà Nội, thật là tuyệt zời. Một phút hứng tình, câu chữ tung ra đẹp đẽ như ông Đồ viết thư pháp, kết quả là hàng ngàn Hanoian bay vào dập tơi tả. Nhỡ mồm, tai hại vậy.

Ngày xưa cũng đi Hà Nội một phen. Kết luận lại được mấy chữ:

Hà Nội đẹp, có thể dùng để ngắm
Thành phố Hồ Chí Minh dùng để kiếm tiền và mua bệnh lao phổi
Bầu trời dùng để tập bay
Tầng 4 của khách sạn dùng để tắm và ngủ…

(Hình như có thêm một số dòng nữa, nhưng quên rồi).

Chà, Hà Nội đẹp lắm, dùng để ngắm thì tuyệt. Ra Hà Nội đúng dịp trời lất phất mưa. Bước xuống tàu, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là cây búa to tướng quảng cáo dầu gió (hay dầu mè gì đó quên rồi) vẽ trên cái banner ad đối diện sân ga. Trời còn tối mờ mờ, gió thổi lạnh, đèn đêm đôi chỗ còn sáng. Các bác xe ôm đang mặc áo ba-đờ-xuy dày cộp, mồm hút thuốc phì phèo, tướng tá bảnh chọe như giám đốc công ty trách nhiệm vỡ hạn, tự nhiên thấy một thằng cu nhỏ nhắn xinh xinh vai mang cái túi xách to tướng, lơ ngơ láo ngáo đi vòng vòng, lập tức chạy xồ tới: a ha em giai đây rồi anh đợi em mãi (?), mới trong đấy ra chơi à, đi đâu lên xe anh ngồi cho ấm cúng nhá, anh lấy rẻ lắm hai mươi nghìn nhá, mà đi đâu? Em giai nhoẻn cười hồn nhiên phán một câu đậm chất Sài Gòn rằng: xin lỗi anh Hai chứ em mà biết chỗ nào để đi là em chết liền á.

Ngồi trên xe ôm chạy tà tà, nhìn phố phường Hà Nội buổi sáng sớm khá là hay ho. Xe buýt khắp khắp, chuyến số 5 đi lại có chuyến số 19 đến, đủ các loại to nhớn nhỏ. Hàng quán bày ra la liệt, khói trời nghi ngút. Quanh bờ hồ cô bác hồn nhiên Hít! Thở! Hít! Thở! Hítttttttttttttttt… Ặc ặc ối giời ôi chết tôi rồi… Thở!

Trời dần sáng rõ. Giai thanh gái lịch dần dà đổ ra đường chào nhau. Đặc điểm khác biệt dễ thấy nhất là con gái Hà Nội phần đông mặc váy. Đầm xòe, đầm bó, juyp dài, juyp cụt, màu sắc lòe loẹt và tươi tắn như đuôi công, nhìn xinh ra phết. Ngắm các đùi cẳng xinh tươi xong, nghĩ tới mấy cái quần tươm bươm tất bất bôi phết đầy mực Rotring với màu Léningrat của trường Uni O Ặc, tự nhiên cám cảnh, nuốt nước bọt đánh “ực” một cái, rồi thở dài đúng bảy bận. Bụng bảo dạ: cha ông ta dạy “lịch như người Tràng An”, quả đé… e hèm, quả cấm có sai chữ nào.

Buổi trưa đạp xe chạy thẳng cánh không suy nghĩ ABC. Đường Nguyễn Trãi thẳng tiến, gặp vòng xoay Ngã Tư Sở tiếng lành đồn xa là bồn binh kẹt xe nhất Hà Nội, thấy cũng bình dân, đứng trên xe mà nói thì đâu có nhằm nhò gì với Hàng Xanh với Bảy Hiền. Me mé Ngã Tư Sở là con sông Tô Lịch khét tiếng sạch sẽ thơm tho, tương truyền là nơi nhà nghệ sĩ Phó Đức Phương nhân một bữa nhậu nhìn đống xà bần đã khóc tức tưởi mà rằng sông ơi chảy đi, kìa, chảy đi chứ mày. Ven sông có đường Láng - mà bây giờ quên mất là Láng Thượng hay Láng Hạ hay Láng Kịn - bắt từ dốc Cây bắt xuống, toàn là nhà sách, sách cuốn nào cuốn nấy mới kẻng, giá rẻ như bèo lục bình, liếc dòm mà mắt cứ muốn lé xẹ, bụng chửi bác Tín Nghĩa đường Trần Nhân Tôn không ra miếng mẻ. Xe cứ thế lăn, một hồi bắt đầu giáp mặt với ngõ ngách Hà Nội, nơi “cái gì cũng nhỏ và nhà tôi gần đó”. Vào ngõ thứ nhất, đạp vòng vòng, cười khẩy bảo “có thế này thôi à, thế mà nghe đồn phố Hà Nội chằng chịt lắm”, rồi mắc kẹt cả nửa tiếng đồng hồ không tìm thấy lối ra, phải đi hỏi quanh khắp các bô lão Hà Thành. Một hồi chui ra được, thở phào nhẹ nhõm, dòm lại tự dưng thấy quái, đâu lại mọc ra cái cầu sắt (sau hỏi ra mới biết là cầu Long Biên). Cầu bắc ngang một rạch nước kia vàng khè, chảy lặng lờ lấp lửng (sau hỏi ra mới hay là sông Hồng mùa cạn). Bên kia cầu là làng xóm, cây xanh, lá xanh, gió thổi, có bờ dốc, có cổng làng, có tiếng rao… Tặc lưỡi: làng quê Việt Nam ta thanh bình đấy chứ, chẳng bù cho cái làng Hanh Đông của mình toàn là cứt trâu trải dọc trải ngang, ngẫm mà chán đời. Quành về, thành ra là mình vừa làm một đường cắt chéo thủ đô.

Buổi tối, ngồi cà phê Lâm, nhìn mấy bức tranh nghe đồn đâu của Bùi Xuân Phái vẽ, gật gù nghe nhạc. Ông Lâm chết mất rồi, ông Phái cũng đã quy tiên, còn lại quán cà phê với một nữ đồng chí kia ngồi rửa chén mà chàng hảng hai chân theo hình tam giác bẹt, hồn nhiên rực rỡ. Nhâm nhi bánh ngọt, uống ngụm cà phê sữa, nhìn ra ngoài trời tối. Hà Nội buổi tối, tối, không như Sài Gòn sáng tối như nhau. Hình như trời lạnh. Hà Nội buổi tối, lạnh. Phóng xe máy dọc các Bờ Hồ, đổ ra đường Trần Hưng Đạo, nhìn hàng cây to, tán đổ, lại có hai dãy đèn chiếu hai bên, đẹp ngả mũ.

Thuê phòng ở cái nhà nghỉ kia tên là Hoa Đào hay Hoa Hồng gì đấy, đại loại $3/đêm. Buổi tối đói, thẩn thơ đi xuống cổng, mua mì tôm. Bà cụ bán hàng tạp hóa nhìn thằng nhóc lặn lội từ trong Nam ra ngoài Bắc mua năm gói mì tôm Hảo Hảo với một chai nước suối La Vie, nở một nụ cười mang đầy tính chất suy đoán. Thằng nhóc cũng bắt chước, cười một nhát cầu tài. Lên phòng, vừa gặm mì tôm vừa uống nước suối, lại vừa chụp hình cái quần đùi, vừa nói chuyện electronic charger với mấy thằng Nigeria đen thui phòng bên cạnh. Chưa được mấy nả, nước nôi hết nhẵn, lại phải lò dò đi mua tiếp. Bà cụ Hà Nội lại cười. Thằng cu Sài Gòn lại nhăn nhở. Nghe đồn người Hà Nội khó chịu lắm, thì ra cũng đâu đến nỗi. Sau này gặp bác Cường với bác Hoàng BLogic, niềm tin càng được củng cố, rằng ở đâu cũng có kẻ nọ người kia.

Buổi sáng ra, ngủ dậy lúc bảy giờ, vác máy ảnh, giấy bút, lang thang đi bộ. Đường phố chật một cách kì quặc, không có lề, xe người cứ thế mà chen nhau, nhìn vui mắt. Trời lại lất phất mưa. Ngang qua cái đường kia đầy đồng hồ các loại, treo tường, đeo tay, móc cổ, quấn chân, thấy ngờ ngợ; một hồi tới số 77 thấy chữ “THẬT” to đùng mới nhớ ngày xưa xem phim VTV1 hay quảng cáo “Chu đáo tin cậy, 77 Hàng Đào”. Lết thêm một quãng, lại thấy Hàng Ngang, rồi lại Hàng Bạc. Thì ra nãy giờ băm cày nát nhừ phố cổ mà không biết. Vác giò dọc theo Hàng Bạc, một hồi thế nào lại chui ra đến Hồ Gươm, có cái cây kia đổ nửa thân ra hướng Tháp Rùa, nhìn khá khéo mắt. Ngồi bờ hồ, kêu “cà phê nhiều sữa”, lôi máy ảnh ra chụp mấy phát, xong thấy xấu quá xóa béng, lôi giấy bút ra vẽ. Vẽ cái máy ảnh. Vẽ cái lá ở đâu rớt phẹt xuống cốc cà phê. Vẽ mái quán Mary Sến, cờ xí xanh xanh đỏ đỏ cắm lung tung beng. Vẽ Tháp Rùa xa xa. Vẽ con nhóc Dacando na Sepultura gần gần. Xong rồi xếp lại cũng được một xập. Giá trị nghệ thuật khách quan: không không có. Giá trị nghệ thuật chủ quan: mấy Bùi Xuân Phái cho bằng.

Trưa, vào chợ ăn. Người Hà Nội ăn cơm trong bát, không bán dĩa. Không ngon mấy, không như ông Vũ Bằng ngợi ca, nhưng được cái rẻ. Ăn biết bao nhiêu, chỉ phải trả năm nghìn Việt Nam Đồng. Tương tự, tiệm đĩa đầu đường Hàng Bông cũng rẻ. Tại đây mua được cái DVD Notre Dame de Paris - đĩa này Thanh Nhân quận 1 cũng có nhưng ỷ hàng độc, làm mình làm mẩy, hét giá trên chín tầng trời, đúng là đồ con lợn.

Xoay xoay chưa được ba bữa, về. Có chuyện nên đi, rồi có chuyện nên về. Trước khi lên tàu, lại dạo quanh, ngồi uống cốc nước chè vỉa hè Hà Nội, nhìn các bác hút thuốc lào, nhả khói nghi ngút. Không vui chút nào.

————————————————————-

Random Access Memory. Tất nhiên sẽ còn ra lại Hà Nội, vì một ít đã trở thành read-only.

——————-

Chấp gì mấy đứa mắt lé. Không biết giá trị lại còn múa mép. Dạy đời các loại. You should… you should not… or else… about your future… about your current…

ABOUT WTF? W do you know about TF?

Darling, Sài Gòn phố (Pt. 2)

November 21st, 2006 § 0

Bạn DCM “xấu gái vô đối” tự nhiên mấy hôm nay nổi cơn hứng tình, động rồ làm nguyên cái list các tạp chủng văn theo chủ đề zé hồn là “em ơi Sài Gòn phố”, mô tả những cái huyền diệu Sài Gòn. Nhà văn chương có khác, mắt cận thị nhìn thi vị quá. Quán cà phê bida ồn ào nằm trong hẻm thì đặt là “Trăm năm cô đơn”, quán Trúc Mai mở ỏm tỏi trở thành “Nhà hát Giấc Mơ”, đọc lên nghe lốc cốc leng keng mà phát rầu. Không định phá đám, nhưng vì cái sự thật nó trơ trẽn sờ sờ ra đấy, nên đành ngậm ngùi mà phản pháo chút ít vậy - kiểu như các cuộc bút chiến kiếm nhuận bút giữa các băng nhóm Tự Lực Văn Đoàn và ABC Vũ Đoàn ngày xưa.

Cái quán cà phê “100 years of soledad” đó thực chất là một miếng đất dài 6 rộng 4, nằm trong hẻm Trần Tế Xương đối diện quán bi da. Đầu hẻm bán cơm, phở, hủ tiếu, vậy nên khi lết bộ vào cần cẩn thận kẻo giẫm phải cục xương heo trượt chân té chết tốt. Trước quán có một mái hiên đưa ra. Trước hiên trồng tùm lum các loại cây cảnh, phong lan, chả giò (?), hoa hòe hoa sói đâm bông rầm rộ, khó hiểu và nhằng nhịt như một bức tranh của Picasso - nhưng còn lâu mới có được 1/1,000,000,000 cái giá trị nghệ thuật như thế. Bác giai chủ quán là một ông quá hạn trung niên hay oánh quần đùi cởi trần giơ bụng phễnh khoe rốn lồi trông muốn ọe ba xô, bác gái chủ quán là một bà tướng tá lù khù như chết trôi bảy ngày mới nổi, cô hàng nước xinh tươi lại là một chị kia tướng tá béo tốt, mặt mày nhăn nhở Thị Nở Chí Phèo, lưng còng như tôm, hai tay vung vẩy như râu mực và hay đi ngang như cua.

Chính giữa quán chẳng biết từ hồi nào có một ông kia mỏ bự ăn xoài nhỡ mồm nuốt cả cái hột vào bụng, sau mấy ngày thải ra theo đường “tiện lợi to to”, sau mấy ngày nữa thì mọc lên cây xoài con. Đến nay cái cây con kia đã trở thành cây nhớn, tướng tá thật là to tốt bảnh chọe, cành nhánh xỉa tứ phía không theo cái quy củ trật tự quái nào. Không biết có phải vì quá trình ủ hạt đâm mầm của tuổi thơ nó diễn ra trong một môi trường có quá nhiều chất chua hay chăng mà lão Xoài khỉ mốc này đếch trổ hoa ra trái gì sất. Ý hẳn sợ người ta chửi mình đàn bà không đẻ, lâu lâu lão mới đổ xuống một vài cái lá dài dài gọi là khẳng định danh xưng, để những kẻ buồn đời rảnh việc có thể ngồi phì phèo thuốc lá con mèo hai ngàn ba điếu mà bàn ra tán vào: kìa xoài kìa, đấy xoài đấy…

Về chất lượng thức uống ở đây không phải khen nhiều. Đại để li cà phê đen cô đơn trăm năm là một hỗn hợp được nhào trộn rất khéo léo và cân đối thành phần giữa đậu nành rang, vỏ khoai lang nướng, bắp lùi, cùng với một ít Trung Nguyên hàng Trung Quốc; cho nên những ai bụng yếu hoặc gia đình có tiền sử bệnh án ung thư dạ dày, trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ búi, viêm ruột dư, sa đại tràng, hẹp bao quy đầu (e hèm…) chớ có dại dột mà hô cà phê ở đây. Thay vào đấy, hãy mang loa và bộ ắc-quy theo - vì sao phải mang loa thì cứ thử vác mồm không tới một lần khắc biết - gào lên rằng: nào pạc xỉu nào, nào năm bờ oăn nào, nào xì tin vê lít nào… Sau một hồi gào thét, chủ quán thính tai như thỏ sẽ lật đật phi ra như ba ba mà rằng “hết xì tin rồi em ạ, em dùng kô tếc tạm nhé”. À, và thế đấy, nhâm nhi kô tếc đi, gật gù đi…

Còn nếu có lỡ uống cà phê, sinh đau bụng tiêu chảy mà quên thủ theo trong túi quần bên trái một chai Con Rồng thì cũng đừng có hốt hoảng mà nó són ra ngoài. Bởi vì ngay trong quán Trăm năm cô đơn đã có nhà xí sẵn. Mở lần cửa thứ nhất, mở lần cửa thứ hai, nếu may mắn sẽ được chiêm ngưỡng một thằng cha da mụn cóc tóc lông quạ đang luống cuống kéo khóa quần lên quá rốn. Còn không thì cứ thế tiến thẳng vào, mặt vênh lên như bố vợ phải đấm, ngồi trên hố xí ngâm Hành Phương Nam của nhà cố thi sĩ chết vì trúng gió “Người ơi, hề, người ơi, người sang bên ấy sao mà lạnh, nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi”. Sau đấy chuyển qua Xóm Ngự Viên, sau lại Cô hàng xóm, sau nữa là Lỡ bước sang ngang, cuối cùng hùng hổ đứng dậy khí thế dội cầu như chưa bao giờ được dội. Dội xong nhớ mau chân lẹ cẳng mà chạy ra ngồi nghe mót bản Dạ khúc cho tình nhân do phản quốc đại sư tỉ Khánh Ly hát, kẻo lại phí cả công phúc thống phục nhân sâm.

Chẳng may có người hỏi: sao biết Dạ khúc cho tình nhân là do Khánh Ly hát? Dễ lắm, vì quán có hai cái đĩa thì cái Lê Uyên Phương sau một hồi từ tốn đã chuyển sang từ trần từ đời tám hoánh nào rồi. Ngày xưa khi cái mối tin đầu nó bể như xô mẻ, tối nào cũng lê lết vào đây mà gọi Dạ song fur amant. Lê Uyên mí Phương tối nào cũng phải đờn ca bản nhạc ba xu, những muốn khóc thét, mới đầu còn gắng gượng chút tàn hơi, sau chịu không nổi sinh ra cà giựt “Ái ân ơi đừng phụ lòng ta ta ta ta ta ta ta ta ái ân ân ân ân ái ân ơi đừng phờ phờ phờ lòng lờ lờ lờ CẠCH KÍT nhớ thương sâu xin gờ gờ gờ gờ ửi ửi người xa a a xa a KÉT BỤP XOẸT hồn nhiên… hồn nhiên…. hồn nhiên… h h hồn nhiên…KOOOOỌOOOOT”. Trời thì mưa tầm tã, gió lạnh thổi, run bần bật, lại còn nghe cái dòng nhạc hồn nhiên này, da gà da vịt có được bao nhiêu nó nổi lên bấy nhiêu, quả là không ngoa cái khả năng lay lắc lòng người của âm nhạc.

Túm lại là vậy. Đừng hi vọng tìm thấy lãng mạn lan man các sự ở đây.

Riêng về cái nhà hát Giấc Mơ kia thì chỉ mới vào thưởng ngoạn có hai lần, ấn tượng còn sót lại là cái thằng cha Lý Liên Kiệt nó cầm giáo nó múa may túi bụi. Để lúc nào rảnh rỗi quá bộ vào xem xét lại thử.

P.

November 17th, 2006 § 0

Promise me.

You suck.

Promise me you will not die before seeing I’m alive.

Late at night

November 17th, 2006 § 0

Find myself again.

A B C và D và E và F. Và G và H.

Và cục cứt.

—————————————

Uống Sài Gòn Đỏ và, một số chai, tự nhiên nhận ra những giấc mộng du của mình vẫn còn thoi thóp thở. Đâu dễ chết. Đâu có gì dễ chết. Con cuốn chiếu muốn chết cũng phải chà bảy lần bằng dép Lào. Con giòi muốn chết phải châm lửa bảy lần bằng điếu thuốc lào. Lão Hạc phải lăn lộn với bả chó cho tới trưa. Bà già còn thổ tả kiết lị cả tháng. Đâu có ai dễ chết.

Sống dai nhách thêm một ít ngày, gặp thêm một ít người, thì ra những cơn mộng ngu vẫn còn hi hóp thở. Như heo Móng Cái trong chuồng, nhai trệu trạo mớ rau gai trộn cám. Như bò Ấn Độ buồn đời nhai cỏ gà bốn túi. Như trâu Mura thẫn thờ nhai lúa xịt rầy đợi ngày làm cà ri.

Vú cách đều nhau, không có vú lép.

Dẹp thôi.

——————————————————————

Một buổi kia 9h30 thức dậy sớm, bao nhiêu phượng hoàng, rồng cọp, hổ beo, thiên nga, pet, sweetheart thảy đều tan ra thành nước cống, chảy theo luồng Lí Chính Thắng - Đinh Tiên Hoàng. Còn lại là chó, mèo, heo, ngỗng, cái ghẻ, nước mũi, bọt mép, ung bướu, thiếu i-ốt, phù chân voi. Uổng bao công nuôi. Uổng Bao Công nuôi. Hi vọng càng lắm thất vọng càng nhiều. Càng dài càng ngắn.

Rằng chàng Vương quen tật ra cào, hai Kiều sợ hãi chui nấp vào chậu bông. Rằng bao giờ qua tới Tây phương, gặp vỏ chuối giữa đường con mới trượt chân. Rằng từ ngã nhĩ tồn sinh, bỗng đâu trực tiếp phát thanh bóng chày. Tố Như chết mất, rồi Thăng Long thành bình địa, xưa nay chỉ thấy người nay cười khà khà, có ai nghe Nguyễn Kim Thành hô hố khóc đâu. Nguyễn Đình Chiểu mắt lòa mây kéo, Kiều Nguyệt Nga rúc dưới bụi môn chờ Lục Long Quân chỉ là trò mần tuồng tưởng tượng. Bùi Bán Dùi hóa điên hóa ngộ, đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn còn ngưỡng vọng chút Mưa nguồn. Chờ đợi làm gì vậy.

Lá văng tứ phía, người em nhỏ thó ngồi nứt thuyền hoa, tình duyên đành loét lở. Vì có những đêm về sáng, đời sao buồn cười. Chí mén. Quá cố nhân. Ọe.

Vì đời vẽ lên con ngựa hồng. Rồi lại vẽ lên con nạ dòng. Rồi bảo đó là hai con rồng.

Nếu có kiếp trước, chắc có kiếp sau. Nếu có kiếp sau, cầu đừng kiếp trước.

—————————————-

Một điếu thuốc Bastos chưa chắc đã làm nên mùa xuân.

Mô là đây?

Đang xem tàng trữ November, 2006 tại Yahoo! 360 đã ngỏm.