Sách ra lò

July 19th, 2011 § 0

Viết nhảm hai năm ròng, trải bao nắng mưa khổ ải, cuối cùng rồi cũng ra được cuốn sách. Thông tin thêm về sách ở đây. Thông tin thêm về thằng tác giả thì nằm chèo queo đây.

Lại tiếp theo như thế này

December 2nd, 2011 § 1

Lão thầy Hợi đập bàn xong, tới lượt ông thầy Tôn. Ổng đưa tay vuốt mớ tóc trắng như cước, chỉnh lại cặp kính đang chực trượt té gãy gọng trên cái mũi đỏ bầm như một trái cà chua nghiện rượu, rồi cất giọng ề à:

“Thầy rất… buồn. Các em làm thầy rất… buồn. Mà không riêng gì thầy, tất cả các thầy cô ngồi đây đều buồn phiền… vì các em. Vô… cùng buồn phiền. Các em làm cho các thầy đau lòng. Vô… cùng đau lòng các em ạ. Vô… cùng đau lòng.” Ổng nói xong thì bên ngoài hành lang có tiếng chuông reng reng rất vui tai.

Không, không phải là tôi đang nhại ổng đâu. Bạn hiểu cho, tôi có thể hỗn láo thật nhưng tôi không bao giờ nhại người già. Mà nói chung tôi không bao giờ nhại ai cả. Tôi biết hơn bất cứ ai trên quả đất này rằng nhại người lớn là một sự tuyệt đối không nên. Hồi học lớp sáu, tôi có một thằng bạn hỗn danh là Kều Ghẻ. Kều Ghẻ là thằng con nít quậy phá nhất xóm, buổi sáng nó cúp học ở nhà buộc đuôi chó đuôi mèo lại với nhau, buổi chiều nó rình đổ muối ớt vào chó dính lẹo, buổi tối nó lại theo anh Thu Đạm đi đục lỗ phòng tắm nhà người ta. Nói chung nhân cách nó không ra gì, nhưng người ta xem nó còn nhỏ nên không ai nghiêm trị, hoặc cũng có thể người lớn sợ động vào nó thì lây ghẻ ngứa chăng, tôi không được rõ. Chỉ biết Kều Ghẻ được thể càng tăng cường phá phách. Đến một bữa, trên đường đi học về nó gặp một ông già ăn xin vừa mù, vừa câm, lưng còng đến đất đang chống nạng đi cà lê cà lết ngoài đường. Thấy người ta khổ sở trong một xã hội đầy bất công giai cấp vậy mà nó cũng không để yên. Nó bắt đầu nhảy nhót quanh ông già tội nghiệp, tay nó banh mồm thè lè ra, mắt nó làm lác, và nó kêu “ê, ê.” Được chừng mười phút liên tục như thế mà ông già không có phản ứng gì, Kều Ghẻ phát chán định thôi không nhảy không ê nữa, thì tự nhiên ông già đứng thẳng lên, gồng một phát, tóc dựng đứng như siêu Xayda cấp bốn, và trở nạng quật nó một cú thật lực. Kều Ghẻ né được cú quật chí mạng, kinh hoảng vác giò lên cổ mà chạy. Ông già vác nạng đuổi theo nó sát đít, vừa đuổi ổng vừa chửi “đù mẹ thằng chó, đù mẹ thằng chó, mi đứng lại tao đánh chết mi đứng lại hông, đù mẹ thằng chó.” Từ thuở cha sanh mẹ đẻ chưa bao giờ Kều Ghẻ thấy ông già mù câm què nào lại năng động đến như thế, nên nó vừa chạy vừa làm cú bĩnh ra quần, như con chồn hôi. Thế mà nó cũng không thoát. Sau khi ăn liên tiếp năm sáu phát nạng bể người, Kều Ghẻ quáng cả mắt, cuống quýt ôm cú bĩnh trong quần lao xuống cây cầu ở đoạn cống cái gần ngã Bảy. Xui cho nó là nó quá bận phá làng phá xóm mà quên đi học môn thể dục nhảy cầu thẩm mĩ, nên sau cú nhảy đó nó gãy ống quyển chân trái, gãy ba ngón bàn chân phải, bonus thêm cái sọ dập vì đập vào đống đá dưới chân cầu. Từ đó nó đâm ra nghễnh ngãng, hay cười vu vơ, và tích được một loại phản ứng có điều kiện kì quặc là ị đùn mỗi khi thấy có người đi cà nhắc.

» Vẫn còn một khúc, hãy ấn vào đây «

Mở đầu thế này

November 1st, 2011 § 5

Thế là tôi bỏ học.

Thật ra trên cái cõi đời ô-trọc chó-má này, bỏ học không phải là một cái gì đó lạ lẫm. Từ giỏi đến dốt, từ bị thiểu năng hai trừ một bằng không cho chí thiên tài e bằng mờ xê bình, ai cũng có thể bỏ học. Ví dụ kinh điển: Steve Jobs, đầu gấu công ty Apple, bỏ trường cao đẳng Reed chỉ sau vỏn vẹn một học kì. Lão này giỏi quên chết. Tất nhiên bây giờ thì lão chết rồi, vì ung thư tuyến tụy hay lá lách hay tinh hoàn gì đó tôi không được rõ. Ví dụ kinh điển hơn: Bill Gates. Lão này đã cả gan đá đít một trường hoành tá tràng hơn nhiều tên là Harvard để thành lập Microsoft, sản xuất ra một chương trình điều khiển những chương trình khác gọi là hệ điều hành và vì đếm mãi không hết tiền mà nghiễm nhiên thành tỉ phú. Ví dụ kinh điển nhất: thằng Thu, biệt danh âu yếm bạn bè đặt cho là Thu Đạm, bỏ học cấp hai trường Hoàng Hoa Thám gần nhà vì không cùng chung lí tưởng với cô Hà hiệu trưởng. Sau khi dứt áo ra đi, nó cùng với thằng Hưng Beo hai thằng lựa nhà một cặp vợ chồng mới cưới, nửa đêm trèo lên mái nhà cạy ngói dòm xuống, vừa nhai bắp rang vừa bàn tán và cười hí hí rất vui tươi. Bị đồng bào phát hiện tri hô, Hưng Beo lật đật nhảy xuống, bèn gãy giò và bị chó cắn vào mông, còn Thu Đạm bị bác Bề dân phòng dùng một thế võ cổ truyền vật bổ chỏng trên khi đang trên đường bôn tẩu. Nghe nói để trừng trị tính tà dâm của nó, bác Bề đã búng chim nó, nhét vào ống bô xe máy, đạp nổ lạch bạch và vặn ga suốt từ sáng đến chiều. Sau hai tháng đi chàng hảng và đái ngồi, Thu Đạm có thêm một nghệ danh gợi hình là Cu Đen. Cu Đen lớn thêm một tí thì phạm tội hiếp dâm một con bé nghễnh ngãng đầu chợ và bị tống vào trung tâm cải tạo thiếu niên hư hỏng, cho dù giữa phiên tòa nó đã cố sống cố chết thanh minh đến cạn khô nước bọt rằng lúc ấy trời tối quá nên đã hiếp dâm nhầm người. Từ bấy đến nay không ai gặp lại nó, chỉ nghe nói phong thanh là sau khi cải tạo thành công nó đã đi buôn ma túy và trở nên một doanh nhân thành đạt, hiện đang là chủ một chuỗi nhà hàng thịt rừng đâu trên Kon Tum, có cả cạt vi-dít ghi tên tiếng Anh là Mr. Black Bird Falls.

Nhưng cái vấn đề ở đây là, những vị anh hùng tôi vừa đề cập đến trên đây đều là bỏ học tự nguyện. Steve Jobs cảm thấy trường học không dạy được gì ra hồn cho nên lão bỏ. Bill Gates cũng thế. Thu Cu Đen càng thế. Chẳng may, tôi không thế. Tôi bỏ học vì bị đuổi. Hoặc nói đúng hơn, tôi bỏ học sau khi bị đuổi. Hoặc nói đúng hơn nữa, tôi không bỏ học thì cũng sẽ bị đuổi.

Nói chung là tôi bỏ học.

Nghĩ cho ra cái tựa thật là phiền phức

October 2nd, 2011 § 3

Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh thì đồng hồ chỉ gần mười hai giờ đêm. Từ trên cao nhìn xuống, bến cảng nhô ra như một cánh cung lớn, viền bởi những ngọn đèn sáng rực. Mặt nước cũng sáng lóa hàng ngàn ánh đèn sặc sỡ từ hàng ngàn con tàu đang thả neo. Những tia la-de nhiều màu chiếu thẳng lên trời, đan xen nhau như một bức tranh cỡ lớn thời hậu hiện đại. Đã mười hai giờ đêm, nhưng cái thành phố xa lạ này chưa hề ngủ.

Tôi có một ám ảnh. Thuở nhỏ, những dịp nghỉ hè tôi hay đi tàu từ miền Trung vào miền Nam, rồi lại từ Nam ngược ra Trung. Ban đêm, đoàn tàu cũ kĩ lọ mọ như một lão già chống gậy, nặng nề bò qua những đèo, những hầm, những đồng cỏ hoang vu dưới cơn mưa tầm tã. Gió luồn qua khe núi, hú lên những tiếng ma quái rùng rợn giữa trời khuya. Không một ai còn thức. Nhưng khi qua những trạm gác, tôi luôn thấy một người mặc áo tơi, cầm ngọn đèn bão đứng làm hiệu cho đoàn tàu. Trong vài giây ngắn ngủi, ánh đèn vàng vọt hắt lên, vẽ ra những đường nét góc cạnh nhọn hoắt của khuôn mặt hốc hác, đôi gò má nhô cao, đôi mắt hõm sâu mệt mỏi vì thiếu ngủ. Rồi đoàn tàu ầm ào đi qua, bánh nghiến ken két trên đường ray. Tôi chồm người ra cửa sổ, ngoái nhìn lại, vẫn thấy đốm sáng ấy le lói đằng sau đuôi tàu một lúc lâu, cho đến khi chìm hẳn vào màn đêm dày đặc rồi mất hút. Cảnh tượng ấy in sâu vào trí óc tôi cả một thời thơ ấu, nặng nề, bứt rứt và khổ sở, nhất là khi tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra rằng ngọn đèn của người gác tàu không phải ngọn đèn anh hùng “trên đường ta đi đánh giặc, dù vào Nam hay ta lên Bắc” của nhà thơ Chính Hữu, mà là một loại đèn buồn tủi hơn nhiều, cơ cực hơn nhiều.

Rồi tôi ra thành phố học. Thành phố có đèn điện, là một thế giới sáng sủa, rất khác với vùng quê tôi đã sống. Trong suốt bảy năm tôi ở đó, đã có bao nhiêu quán cà phê xuất hiện, bao nhiêu nhà hàng mọc lên. Lại có cả một cây cầu xoay, đèn thắp hai bên thành cầu làm cả một khúc sông sáng rực. Từ bờ sông đi về phía trong một chút là khu chợ. Những buổi đi học về khuya, tôi đạp xe một mình qua khu chợ đó, nghe cái mùi hăng hăng nồng nồng của rác rến xộc vào mũi. Dưới gốc cây sao bên vệ đường hay có một chiếc xe đẩy rác, trước xe treo lủng lẳng một cây đèn hiệu chiếu sáng nhờ nhờ một khoảnh đất nham nhở đầy vỏ cam, xác mía, bao nhựa, cọng hành. Và một chị mặc quần áo phản quang cặm cụi cầm chổi quét đường mà mặt mũi buồn thiu. Hoặc cũng có thể chị ta không buồn, chỉ là cúi mặt xuống đất nên trông có vẻ buồn, tôi không biết. Nhưng cái hình ảnh chị công nhân quét rác ấy, cái dáng người xiêu vẹo ấy, bộ quần áo nhàu nhĩ có hai vạch phản quang sau lưng, và nhất vùng sáng mờ mờ không đủ soi rõ mặt người ấy, tất cả đọng lại trong bộ não non nớt của tôi thành một kí ức buồn rầu.

» Còn nữa chưa hết, bấm vào đây để đọc tiếp đừng ngại «

Thư cho Luyện

September 7th, 2011 § 4

Chú Luyện ơi, thế là chú bị tó rồi đấy nhỉ?

Anh thương chú biết bao nhiêu. Nhớ tuổi thơ anh với chú, chúng ta suốt ngày bắt gà đá dế ngoài nội, anh còn thò lò mũi xanh và chú còn cởi truồng lòi chim xanh mông xanh. Chú nức tiếng xinh giai ngay từ nhỏ, với lông mi đen và tóc cũng đen, trong khi da trắng răng trắng và cái đờ đến ngay cả lòng trắng mắt chú nó cũng trắng nốt. Anh nhớ ngày ấy đi chơi với chú toàn nghe người ta khen “ối giời con cái nhà ai mà xinh thế, ô kia nó chớp mắt kìa, ô xem nó mút ngón tay kìa, ô nó bĩnh trong quần kìa đẹp thế nhẩy”, còn anh thì mặc cảm xấu xí chỉ biết dùng tay áo quẹt nước mũi ngang mặt, tối về lấy tăm nhang xăm lên cổ tay hai chữ Hận Đời. Lớn lên một chút anh với chú cùng đi học, trong lúc anh bắt chước Thi Sách thắp ngọn đèn dầu tập tọe làm thơ tán gái đến vàng cả mắt thì chú hai tay bốn em cứ dập dìu hết bụi chuối đến bụi môn như Lục Vân Tiên mò Kiều Nguyệt Nga. Thế mà chú nay bị tó rồi sao?

Chú bị tó rồi sao Luyện? Anh bàng hoàng nghe bảo chú chém người xong vượt biên qua đất bạn hòng đào thoát, xong lại nghe tiếng gọi của gia đình mà lò dò men hẻm núi quay về, ngu ngu cái mặt quái nào lại lọt ngay vào rọ. Cái đời xảo trá quá chú nhỉ, thế mà chúng mồm to cứ bô lô rằng gia đình là mái ấm, rằng hãy hồi cư, rằng ta về ta tắm ao ta dù trong dù đục vẫn là cái ao. Anh không biết chú thế nào, chứ nếu là anh thì kiếp sau anh nguyện làm quả trứng vịt lộn, không cần cửa cần nhà chi chi cả mà lại giúp ích cho đời gấp vạn lần hơn.

Chú Luyện thân mến, ở trong ấy chú có đài có ti vi để nghe thời sự gì chăng? Chú có được cập nhật tin tức không? Chắc là không đâu nhỉ, đến ngoài này khối người còn mắt lác tai ù huống gì là chú. Thế cho nên anh kể sơ qua cho chú nắm nhé. Trời lúc này đang vào thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng anh đang nao nức những kỉ niệm nôn nao của buổi tựu trường. Nếu chú có được nhét vào xe bít bùng mà giải đi trên phố, nhớ ném viên sỏi kêu “cộp” đánh trống lảng các anh rồi len lén nhìn qua cái lỗ thông hơi mà xem cảnh các em bé nô nức cùng bố mẹ lao đến trường như đang hăng hái dự giải Marathon có trò ném lao và bắn dĩa, trong khi các em lớn hơn thì tô son trát phấn, xõa tóc qua một bên vai trái và một bên mắt phải, ngồi ủ rủ như con gà rù trên xí xổm, nhưng lại ngước lên trời chu mõm làm vài cú hình chụp “hốt bôi trường Bưởi, nữ sinh Ngô Quyền”. Chú hãy nhìn cho kĩ gương mặt ngây thơ trong sáng của các em, anh có thể lấy cả đầu và đít ra bảo đảm với chú rằng với cái nền giáo dục cải cách triệt để hiện nay, mỗi năm mỗi đổi thay toàn diện, mỗi năm mỗi sách mới vở mới bài phát biểu cũ lá thư cũ, ngày mai trong đống xuân xanh ấy thế nào cũng có kẻ theo gương chú mà trở thành Song Phớ Giang Hồ Thủ, sẽ được cùng với chú sóng đôi thành như đôi bạn trong kì đại hạn Dê Trắng Bê Vàng.

» Còn nữa chưa hết, bấm vào đây để đọc tiếp đừng ngại «

tự nhiên nó thế

September 6th, 2011 § 3

lại như thế này ngả ra lưng ghế mắt cay xè mà không muốn ngủ

lại như thế này chán hết mọi thứ chán cả từng dấu chấm dấu phẩy chữ hoa và dấu thị

lại như thế này tuấn ngọc khánh ly mặt nhăn mặt phê nữ hoàng chân đất giọng trầm và phản quốc

lại như thế này bất tài vô tướng tại sao sinh ra tại sao tại đây tại đúng lúc này

lại như thế này mặt nặng cổ nghẹn ghét vô cớ chán vô ích mọi thứ vô vọng vô hình dạng vô giác vô tri vô giá trị

lại như thế này có hồn có xác có giấc mơ thành xí quách có con chó ở góc nhai cục xương mừng mừng tủi tủi đá chẳng thèm cắn đuổi chẳng thèm đi

lại như thế này có ngày hôm qua có ngày hôm nay mà không thấy ngày mai đâu cả không thấy ngày mai của ngày mai đâu cả

lại như thế này như máu không chảy nữa như tim không đập nữa như phổi không ép nữa như da gà cũng không buồn nổi nữa

không buồn nổi nữa