Cu cu trym trym 5

May 16th, 2010 § 0

Tôi biết làm gì tôi biết đi đâu
Tôi chẳng còn điếu thuốc nào
Đốt lên cho đỡ sợ
(Lưu Quang Vũ)

Tại vì anh sợ anh sẽ chết sớm.

Trên đời này từ đàn ông cho chí phụ nữ, từ trẻ em còn mũi dãi lòng thòng cho đến người lớn ngồi trong văn phòng móc cứt mũi đợi hết giờ làm, từ bác nông dân bán một kí thóc năm ngàn đồng cho chí anh công nhân ăn một bữa trưa bốn ngàn đồng cho chí me xừ viên chức hút một điếu thuốc mười ngàn đô(ồng), không ai là không sợ một cái gì đó. Ta hãy nhìn sang Tàu: Tần Thủy Hoàng chạy quanh chân cột la hét đủ loại Hán tự vì sợ Kinh Kha dụng trủy thủ đâm; trăng sợ bị Lý Bạch độ cồn quá cao tung ngón cẩu vồ; ông cụ xóm Thạch Hào sợ bờ tường cao quá tuổi già gân nhão đầu gối run trèo không nổi. Ta lại hãy nhìn sang Tây: Lev Tolstoy cuối đời bỏ nhà đi lang thang đầu đường xó chợ đến nỗi chết lạnh ở nhà ga vì sợ vợ, Pushkin tuổi trẻ nông cạn, cương ẩu đấu súng đến nỗi tiệt mạng vì sợ mất vợ; Hitler có chòm râu cứt mũi trông oai phong lẫm liệt, giết người như ngóe thế mà lại đi sợ máu, dân Do Thái thông minh tuyệt đỉnh dám đóng đinh cả Giê-xu lên trên thập giá lại đi sợ Hitler; George Washington thời thơ ấu chặt gãy cẳng cây đào rồi đi sợ daddy, mà daddy của George Washington có thằng con dũng mãnh như Thạch Sanh lại bắt chước Lý Thông mà đi sợ cái rìu.

Trong cái viu như trên anh tự xếp mình ngang ngửa với Victor Hugo và Thái Sử Từ. Anh sợ chết.

Chỉ mới gần đây thôi. Trước đây, khi Hugo văn gia được đưa vào điện Panthéon và Thái Sử võ tướng được Lục Tốn kéo từ trận tiền về thì anh chưa đến nỗi sợ chết như thế.

Khi anh còn nhỏ, anh hay lên nhà bà nội bác xin cam. Nhà bà anh có một khu vườn rộng lớn trồng toàn cam, ra trái rất nhiều và rất to và rất ngon và anh rất thèm và nhà nuôi chó rất to và có lẽ rất ngon nhưng vì còn nhỏ chưa biết ăn thịt chó nên anh chưa thèm. Anh còn nhớ như in, lúc ấy anh khoảng bảy tám tuổi, cao bảy tám tấc nặng bảy tám kí lô thân hình hoàn toàn bình thường, da đen thùi lùi tóc cháy khét lẹt, mặc cái quần tà lỏn màu cháo gà, áo thun ba lỗ dính đầy nhựa chuối, mũi xanh thò lò, chân đi đất đầy mụn nhọt, chạy lên nhà bà chào hi grandmom rồi ra tọt ra sau vườn. Anh đi quanh quanh, mắt anh hau háu nhìn lên đám cam lủng lẳng, miệng anh mút mút mấy ngón tay đầy ghét, rất là một vẻ hèn hạ. Bà anh lúc đầu còn thương tình thằng cháu đói khát nên cũng xách cù nèo quèo cho anh mấy trái về ăn, dần về sau chắc chán ngán cái thái độ liên tục xin cam không biết điều không biết xấu hổ không biết sĩ diện nên cứ để mặc kệ. Anh đi tới đi lui trong vườn chán, mút tay chán, bị con chó ngon nhà bà cắn cho một phát răng ngập lút vào trong đầu gối, chạy về nhà khóc te te. Cha anh kiến thức y học lúc ấy hãy còn nông cạn hơn Pasteur ít nhiều, trong lúc bối rối không biết làm sao, đành rút đại túm nhang trên bàn thờ châm lửa đốt xòe, quơ qua quơ lại trước chân anh, miệng khấn ông bà lâm râm, khói bốc lên nghi ngút làm anh thấy rất hay, rồi bà nội anh lại đem xuống bịt vào mồm anh nguyên một thúng cam rất to làm anh thấy rất ưng dạ, nên chi anh không khóc nữa. Nghĩ lại, lúc đó con chó kia mà bị điên thì coi như anh cũng ngủm dại, nhưng anh quả là thiếu niên anh hùng, gan dạ thật không kém cạnh Lê Văn Tám[1], vừa ngồi ăn cam vừa gãi ghẻ sồn sột, coi cái chết tựa như tơ hồng chung tình làm đôi, chẳng sợ tí quéo nào.

Lớn thêm một chút, anh ra thành phố học, được tiếp xúc với thế giới văn minh, có nhà xi măng, đường nhựa, kem ăn được cả li nghe rôm rốp, đồng hồ quả lắc vừa lắc vừa kêu boong boong, xe rác vừa hốt rác vừa kêu leng keng, nước vặn vòi buổi trưa kêu tồ tồ buổi khuya kêu tỏng tỏng, thật là thiên đường trần gian. Nhưng cái đặc biệt hơn cả là thành phố có điện. Những buổi tối trời không cúp điện, nhà nhà lại mở các loại đèn ống trắng soi phòng khách nơi người ta ngồi và đèn tròn vàng soi hố xí nơi giòi bò ruồi nhặng bay, rộn rã tiếng trống đồng quay tít mù trên ti vi báo hiệu chương trình thời sự và tiếng hát ngợi ca anh hùng Lâm Xung vừa thét gào những mối cừu hận “Lý Sư Sư ngươi dám lé sơ sơ hả” vừa phi khinh công trên nắp áo quan phóng bát xà mâu đâm xuyên thấu ngực Cao Cầu vì can một cái trọng tội khốn khổ khốn nạn là đá cầu cao. Năm ấy anh chừng mười tuổi, chân ướt chân ráo từ trên núi xuống, chỉ mới nghe danh ông Thomas Edison qua bài giảng đạo đức “Ê-đi-xơn giành ghế với cụ già trong xe cứu hỏa và bị lơ xe đánh, các em nhớ cẩn thận biết thân phận mình đừng đánh nhau với lơ xe”, nào có biết điện đóm là cái mô tê gì, cứ tưởng là một loại củi mới. Cho nên một chiều nọ sau khi tắm táp vệ sinh cơ thể xong anh mới nhón chân thò tay vào sau cái ổn áp Lioa đặt cạnh bồn cá cảnh, thứ nhất là để sưởi ấm thứ hai là để hong khô. Điện đang điềm nhiên ngồi trong cái ổn áp xoay xoay các chiều, tự nhiên thấy có bàn tay thò vào, tất nhiên ngứa mắt liền giật anh một cái “tè” làm anh ngã lăn ra. Cũng may thời ấy dân ta còn xài điện áp thấp một trăm mười vôn, nếu không anh đã cháy thành than từ rất lâu rồi. Ấy thế mà anh không sợ. Anh nằm trên sàn nhà, tê cứng toàn thân từ đầu đến đít được chừng vài phút, xong ngồi dậy phủi đít phèng phẹt gãi đầu sồn sột đưa ra kết luận rằng điện không ấm như củi, rồi đi mua kem ăn, miệng đọc bài “Chú thợ điện” rất ăn giọng, như sau:

Như chim gõ kiến
Bám dọc thân tre
Ồ, chú thợ điện
Đu mình tài ghê!

Quần áo chú xanh
Trời không xanh thế
Bàn tay chú khoẻ
Bóp cong gọng kìm.

Hoa sứ bắc lên
Trắng hai vai cột
Dây điện từ đất
Chú căng ngang trời…

Cháu đứng quên chơi
Ngắm nhìn chú mãi!
[2]

» Còn nữa chưa hết, bấm vào đây để đọc tiếp đừng ngại «

  1. Nói thêm, anh còn vượt trội hơn Lê Văn Tám ở chỗ anh có cái sẹo rất thẩm mĩ ở chân, anh có cam ăn, và anh có thật. []
  2. Chú làm nhiều vào
    Cháu cho nghìn tỉ. []

Mô là đây?

Đang xem tàng trữ May, 2010 tại Yahoo! 360 đã ngỏm.