Kinh Đại Bi Tâm

Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh

Hán dịch: Ðường, Tây Thiên Trúc, Sa Môn Già Phạm Ðạt Ma

Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên bảo tòa Sư tử trong đạo tràng Bảo Trang Nghiêm, là cung điện của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện ở núi Phổ Ðà Lạc Già. Chỗ ấy toàn dùng vô số ngọc báu ma ni để trang nghiêm, treo xung quanh là tràng phan làm bằng trăm thứ quý báu khác.

Lúc bấy giờ, Ðức Như Lai ở trên bảo tòa, sắp sửa tuyên thuyết Pháp môn Tổng Trì Ðà-La-Ni. Có vô số Bồ tát Ma-ha-tát đến tham dự; danh hiệu các vị ấy là: 1) Tổng Trì Vương Bồ tát, 2) Bảo Vương Bồ tát, 3) Dược Vương Bồ tát, 4) Dược Thượng Bồ tát, 5) Quán Thế Âm Bồ tát, 6) Ðại Thế Chí Bồ tát, 7) Hoa Nghiêm Bồ tát, 8) Ðại Trang Nghiêm Bồ tát, 9) Bảo Tạng Bồ tát, 10) Ðức Tạng Bồ tát, 11) Kim Cang Tạng Bồ tát, 12) Hư Không Tạng Bồ tát, 13) Di Lặc Bồ tát, 14) Phổ Hiền Bồ tát, 15) Văn Thù Sư Lợi Bồ tát.

Các vị Bồ Tát Ma-ha-tát như thế đều là những Ðại Pháp Vương Tử đã được quán đảnh.

Lại có vô lượng vô số Ðại Thanh-Văn Tăng, tất cả đều hành A-la-hán ở Thập Ðịa; với ngài Ma-Ha Ca-Diếp làm thượng thủ.

Lại có vô lượng Phạm-Ma-La Thiên, với ngài Thiện-Tra Phạm-Ma làm thượng thủ.

Lại có vô lượng chư thiên-tử ở cõi Dục Giới đến câu hội, với Thiên-tử Cù-Bà-Già làm thượng thủ.

Lại có vô lượng Hộ Thế Tứ Vương câu hội, với ngài Ðề-Ðầu-Lại-Tra làm thượng thủ.

Lại có vô lượng Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân câu hội; với Thiên Ðức Ðại Long Vương làm thượng thủ.

Lại có vô lượng chư thiên-nữ ở cõi Dục Giới câu hội, với Ðồng-Mục Thiên nữ làm thượng thủ.

Lại có vô lượng các vị thần như Thần Hư Không, Thần Sông Biển, Thần Suối Nguồn, Thần Sông Hồ, Thần Dược Thảo, Thần Thọ Lâm, Thần Nhà Cửa, cùng Thủy Thần, Hỏa Thần, Ðịa Thần, Phong Thần, Thổ Thần, Sơn Thần, Thạch Thần, Cung Ðiện Thần, v.v... đều đến tập hội.

Bấy giờ, Quán Thế Âm Bồ-tát từ trong đại hội mật phóng ánh thần thông quang minh, chiếu sáng mười phương sát-độ cùng cõi Tam Thiên Ðại Thiên thế giới này, khiến tất cả đều biến thành sắc vàng. Thiên cung, Long cung, và cung điện của chư tôn thần đều chấn động. Sông hồ, biển cả, núi Thiết-vi, núi Tu-di, cùng Thổ sơn, Hắc sơn cũng đều rung động dữ dội. Ánh lửa ngọc của mặt trời mặt trăng và ánh sáng của các vì tinh tú đều không hiện hữu nữa.

Lúc đó, Tổng Trì Vương Bồ-tát thấy tướng trạng hy hữu ấy thì lấy làm lạ, cho là việc chưa từng có, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, dùng kệ thỉnh hỏi Ðức Phật xem tướng thần thông kia là do ai phóng ra.

Lời kệ hỏi rằng:

"Hôm nay ai được thành Chánh Giác,
Phóng đại quang minh khắp thế này,
Mười phương sát-độ thành sắc vàng,
Tam thiên thế giới cũng như vậy?
Hôm nay ai chứng đắc tự tại,
Phô diễn đại thần lực hiếm có,
Vô biên nước Phật đều rúng động.
Cung điện Long Thần cũng chẳng yên?
Ðại chúng hôm nay có thắc mắc,
Là Phật, Bồ-tát, Ðại Thanh Văn?
Hoặc trời Phạm, Ma, chư Ðế Thích?
Chỉ mong Thế Tôn đại từ bi,
Nói rõ thần thông nọ do đâu."

Ðức Phật bảo Tổng Trì Vương Bồ-tát: "Thiện nam tử! Các ông nên biết, trong Pháp hội hôm nay có vị Bồ-tát Ma-ha-tát hiệu là Quán Thế Âm Tự Tại, từ vô lượng kiếp đến nay đã thành tựu tâm đại từ đại bi và khéo tu tập vô lượng pháp môn Ðà-La-Ni, vì muốn chúng sanh được an vui nên mật phóng sức đại thần thông như thế."

Ðức Phật nói những lời ấy xong. Ngay lúc đó, Quán Thế Âm Bồ-tát từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục cho chỉnh tề, rồi chắp tay hướng về Ðức Phật và bạch với Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Con có Chú Ðại Bi Tâm Ðà-La-Ni, nay xin nói ra là vì muốn cho chư chúng sanh được an lạc, được trừ tất cả các bệnh, được thọ mạng dài lâu, được giàu có sung túc, được dứt trừ tất cả ác nghiệp trọng tội, được xa lìa chướng nạn, được tăng trưởng tất cả các công đức bạch pháp, được thành tựu tất cả các thiện căn, được xa lìa tất cả sự sợ hãi, được mau có đủ tất cả những thứ mong cầu. Cúi xin Ðức Thế Tôn từ bi hứa khả cho."

Ðức Phật dạy: "Thiện nam tử! Ông thật đại từ bi, vì sự an lạc của chúng sanh nên muốn tuyên thuyết thần chú. Nay chính là lúc ấy, vậy ông hãy mau nói ra. Như Lai tùy hỷ, và chư Phật cũng thế!"

Quán Thế Âm Bồ-tát lại bạch Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Con nhớ vô lượng ức kiếp về trước, có đức Phật ra đời hiệu là Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Như Lai. Ðức Phật Thế Tôn ấy vì thương nghĩ đến con cùng tất cả chúng sanh, nên đã tuyên thuyết Quảng Ðại Viên Mãn Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà-La-Ni này, lại dùng tay kim sắc xoa đảnh đầu con và bảo:

'Thiện nam tử! Ông nên thọ trì tâm chú này, vì khắp tất cả chúng sanh trong đời ác ở thời vị lai mà làm sự đại lợi lạc.'

Con lúc đó mới đang ở Sơ Ðịa, vừa nghe xong Chú này thì liền vượt lên Bát Ðịa. Bấy giờ, trong lòng hoan hỷ, con lập tức phát lời thệ nguyện:

'Nếu trong đời vị lai tôi có thể làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sanh, thì xin khiến cho thân tôi lập tức sanh đủ ngàn tay ngàn mắt!'

Phát nguyện ấy xong thì trên thân liền ứng thời hiện đủ ngàn tay ngàn mắt. Lúc ấy, mười phương đại địa chấn động sáu cách; ngàn Ðức Phật trong mười phương đều phóng ánh quang minh soi đến thân con, cùng chiếu dọi vô biên thế giới ở khắp mười phương. Từ đó về sau, trong vô lượng Phật sở, vô lượng Pháp Hội, con được nghe lại và đích thân nhận lãnh, thọ trì Ðà-La-Ni này, lại sanh hoan hỷ, phấn chấn vô lượng, nên được siêu vượt vi tế sanh tử trong vô số ức kiếp. Từ ấy đến nay. con thường xuyên trì tụng, chưa từng quên bỏ. Nhờ thọ trì Chú này nên con luôn được sanh ra tại Phật tiền, hóa sanh từ hoa sen, không còn thọ thân thai bào nữa.

Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, đồng nam hay đồng nữ nào muốn trì tụng, thì nên phát khởi lòng từ bi đối với mọi chúng sanh, và trước tiên phải theo con mà phát những thệ nguyện như vầy:

1) "Nam mô Ðại Bi Quán Thế Âm, con nguyện chóng biết tất cả pháp;
2) Nam mô Ðại Bi Quán Thế Âm, con nguyện sớm được Trí Huệ Nhãn;
3) Nam mô Ðại Bi Quán Thế Âm, con nguyện chóng độ các chúng sanh;
4) Nam mô Ðại Bi Quán Thế Âm, con nguyện sớm được thiện phương tiện;
5) Nam mô Ðại Bi Quán Thế Âm, con nguyện chóng lên thuyền Bát-nhã;
6) Nam mô Ðại Bi Quán Thế Âm, con nguyện sớm vượt qua biển khổ;
7) Nam mô Ðại Bi Quán Thế Âm, con nguyện chóng đắc Giới Ðịnh Ðạo;
8) Nam mô Ðại Bi Quán Thế Âm, con nguyện sớm lên núi Niết-bàn;
9) Nam mô Ðại Bi Quán Thế Âm, con nguyện chóng về nhà Vô-vi;
10) Nam mô Ðại Bi Quán Thế Âm, con nguyện sớm đồng thân Pháp tánh.

Nếu con hướng núi đao, núi đao tự sụp đổ;
Nếu con hướng nước sôi, nước sôi tự khô cạn;
Nếu con hướng địa ngục, địa ngục tự tiêu diệt;
Nếu con hướng ngạ quỷ, ngạ quỷ liền no đủ;
Nếu con hướng Tu-la, ác tâm tự điều phục;
Nếu con hướng súc sanh, liền đắc đại Trí Huệ.

Khi phát những nguyện này xong, hãy chí tâm xưng niệm danh hiệu của con và cũng phải chuyên niệm danh hiệu Ðức Bổn Sư của con là Ðức A-Di-Ðà Như Lai; sau đó phải luôn trì tụng Thần Chú Ðà-La-Ni này. Nếu mỗi đêm tụng đủ năm biến thì có thể tiêu trừ được trọng tội trong trăm ngàn muôn ức kiếp sanh tử.

Quán Thế Âm Bồ-tát lại bạch Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Nếu chư nhân thiên tụng trì Thần Chú Ðại Bi, thì lúc lâm chung, mười phương chư Phật đều đến cầm tay tiếp dẫn; và muốn sanh về cõi Phật nào cũng đều được tùy nguyện vãng sanh".

Quán Thế Âm Bồ Tát lại bạch Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Nếu các chúng sanh tụng trì Thần Chú Ðại Bi mà còn bị đọa vào ba ác đạo, thì con nguyện sẽ không thành Chánh Giác.

Tụng trì Thần Chú Ðại Bi, nếu không được sanh về các cõi nước của chư Phật, thì con nguyện sẽ không thành Chánh Giác.

Tụng trì Thần Chú Ðại Bi, nếu không chứng đắc vô lượng Tam-muội và biện tài, thì con nguyện sẽ không thành Chánh Giác. Tụng trì Thần Chú Ðại Bi mà nếu ngay trong đời hiện tại, tất cả những sự mong cầu lại không được kết quả toại ý, thì không gọi là Ðại Bi Tâm Ðà-La-Ni; chỉ trừ bất thiện, trừ chẳng chí thành.

Nếu các người nữ chán ghét thân nữ, muốn thành thân nam, tụng trì Thần Chú Ðại Bi Ðà-La-Ni, như không được chuyển thân nữ thành thân nam, thì con thề sẽ không thành Chánh Giác; người nào còn sanh chút lòng nghi tất không được toại nguyện.

Nếu các chúng sanh xâm tổn tài vật, đồ ăn thức uống của Thường Trụ, thì dẫu một ngàn đức Phật ra đời cũng chẳng được sám hối, mà dù có sám hối cũng không tiêu trừ được; nay tụng Thần Chú Ðại Bi thì tức khắc được tiêu trừ.

Nếu xâm tổn tài vật, đồ ăn thức uống của Thường Trụ, thì phải đối trước mười phương Sư mà sám hối, mới có thể tiêu trừ; nay tụng Ðại Bi Ðà-La-Ni thì mười phương Sư liền đến chứng minh, tất cả tội chướng đều được tiêu tan.

Tất cả các tội Thập Ác, Ngũ Nghịch, báng nhân báng Pháp, phá trai phá Giới, phá chùa hủy tháp, trộm của Tăng-kỳ, làm nhơ Phạm hạnh thanh tịnh; bao nhiêu nghiệp ác tội nặng như thế đều được dứt sạch.

Chỉ trừ một việc, nếu đối với Thần Chú còn sanh lòng nghi thì ngay cả tội nhỏ nghiệp nhẹ cũng không được tiêu trừ, huống hồ tội nặng? Tuy không thể tức khắc tiêu trừ được tội nặng, song vẫn có thể làm nhân Bồ-đề về kiếp xa sau".

Ngài lại bạch Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Nếu các hàng trời, người tụng trì Ðại Bi Tâm Chú, thì sẽ được mười lăm loại thiện sanh và không phải chịu mười lăm loại ác tử. Các loại ác tử đó là:

Một là không bị chết vì đói khát, khốn khổ;
Hai là không bị chết vì gông, tù, đòn roi;
Ba là không bị chết vì oan gia thù nghịch;
Bốn là không bị chết vì chiến trận tương tàn;
Năm là không bị chết vì cọp, sói, ác thú tàn hại;
Sáu là không bị chết vì trúng độc rắn, rết, bò cạp;
Bảy là không bị chết vì nước cuốn, lửa thiêu;
Tám là không bị chết vì trúng phải độc dược;
Chín là không bị chết vì cổ độc tác hại;
Mười là không bị chết vì điên loạn, mất trí;
Mười một là không bị chết vì núi lở, cây ngã, vách đá sụp;
Mười hai là không bị chết vì kẻ ác thư ếm;
Mườ ba là không bị chết vì tà thần, ác quỉ thừa cơ làm hại;
Mười bốn là không bị chết vì ác bệnh triền thân;
Mười lăm là không bị chết vì tự sát, tự tử.

Tụng trì Thần Chú Đại Bi, không bị mười lăm việc chết xấu như thế.

Người nào tụng trì Thần Chú Ðại Bi thì chẳng những không bị mười lăm loại ác tử như thế, mà còn sẽ được mười lăm loại thiện sanh:

Một là sanh ra ở nơi thường gặp bậc thiện vương;
Hai là thường sanh ra ở thiện quốc;
Ba là thường gặp thời đại tốt;
Bốn là thường gặp thiện hữu;
Năm là thân căn thường được đầy đủ;
Sáu là Ðạo tâm thuần thục;
Bảy là không phạm cấm giới;
Tám là tất cả quyến thuộc đều hòa thuận, có ân nghĩa;
Chín là đồ dùng, tiền tài, vật thực thường được đầy đủ;
Mười là luôn được người khác cung kính, giúp đỡ;
Mười một là tiền của châu báu không bị kẻ khác cướp đoạt;
Mười hai là những việc mong cầu đều được toại nguyện;
Mười ba là long, thiên, thiện thần thường theo ủng hộ;
Mười bốn là sanh ở nơi nào cũng được thấy Phật nghe Pháp;
Mười lăm là được nghe Chánh Pháp và tỏ ngộ nghĩa lý thâm sâu.

Nếu người nào trì tụng Ðại Bi Tâm Ðà-La-Ni thì sẽ được mười lăm chỗ thiện sanh như thế. Tất cả hàng Trời, người nên thường xuyên trì tụng, chớ sanh biếng trễ!"

Khi Đức Quán Thế Âm Bồ Tát nói lời ấy rồi, liền ở trước chúng hội, chắp tay đứng thẳng, đối với chúng sinh khởi lòng Tử Bi, nở mặt mỉm cười nói chương cú mầu nhiệm: Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni rằng:

Âm Việt
Âm Hoa
Âm Phạn

Bồ Tát thuyết Chú Đại Bi xong, cõi đất sáu phen biến động, trời mưa hoa báu rơi xuống rãi rác, mười phương chư Phật thảy đều vui mừng, thiên ma ngoại đạo sợ dựng long tóc, tất cả chúng hội đều được quả chứng. Hoặc có vị chứng quả A na hàm, hoặc có vị chứng quả A la hán, hoặc có vị chứng được Sơ địa, Nhị địa, Tam địa, Tứ địa, Ngũ địa cho đến Thập địa. Vô lượng chúng sinh phát lòng bồ đề.

Lúc bấy giờ Ðại Phạm Thiên Vương từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục cho chỉnh tề, cung kính chắp tay, bạch cùng Quán Thế Âm Bồ-tát rằng: "Lành thay, Ðại Sĩ! Từ trước đến nay, tôi đã trải qua vô lượng Phật Hội, được nghe vô số Phật Pháp và vô số môn Ðà-La-Ni, song chưa từng được nghe tuyên thuyết chương cú thần diệu Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðại Bi Ðà-La-Ni như thế này. Chỉ mong Ðại Sĩ vì tôi mà nói về hình mạo tướng trạng của Ðà-La-Ni ấy; tôi cùng đại chúng đều ưa thích muốn nghe."

Quán Thế Âm Bồ-tát bảo Phạm Vương rằng: "Ông vì phương tiện lợi ích cho tất cả chúng sanh nên hỏi như thế; vậy nay Ông hãy khéo lắng nghe, Ta sẽ vì các Ông mà lược thuyết đôi điều."

Quán Thế Âm Bồ-tát bảo: "Ðó là tâm Ðại Từ Bi, là tâm Bình Ðẳng, là tâm Vô Vi, là tâm Vô Nhiễm Trước, là tâm Không Quán, là tâm Cung Kính, là tâm Tỳ Hạ, là tâm Vô Tạp Loạn, là tâm Vô Kiến Thủ, là tâm Vô Thượng Bồ Ðề. Nên biết các thứ tâm ấy đều là tướng mạo của môn Ðà-La-Ni này; vậy ông nên y theo đó mà tu hành."

Phạm vương thưa: "Tôi và đại chúng hôm nay mới hân hạnh được biết tướng mạo của môn Đà Ra Ni này. Từ đây chúng tôi xin thọ trì chẳng dám lãng quên.

Bồ Tát lại nói tiếp: "Nếu kẻ thiện nam, thiện nữ nào tụng trì thần chú này, phải phát tâm bồ đề rộng lớn, nguyện độ tất cả muôn loài, giữ gìn trai giới, đối với chúng sinh khởi lòng bình đẳng, và thường nên trì tụng chớ cho gián đoạn. Lại nên ở nơi tịnh thất, tắm gội sạch sẻ, mặc y phục sạch, treo phan đốt đèn, dùng hương hoa cùng các thức ăn uống để cúng dường, buộc tâm một chỗ chớ nghĩ chi khác, y như Pháp mà tụng trì. Lúc ấy sẽ có Nhật Quang Bồ Tát, Nguyệt Quan Bồ Tát, cùng vô lượng thần tiên đến chứng minh, giúp thêm sự hiệu nghiệm. Bấy giờ ta cũng dùng ngàn mắt chiếu soi, ngàn tay nâng đỡ, khiến cho kẻ ấy từ đó về sau có thể hiểu suốt tất cả sách vở thế gian, thông đạt các điển tích Vệ Đà và tất cả pháp thuật ngoại đạo. Chúng sinh nào tụng trì Thần Chú này, có thể trị lành tám muôn bốn ngàn thứ bệnh ở thế gian, hàng phục các thiên ma ngoại đạo, sai khiến được tất cả quỹ thần. Những kẻ tụng kinh tọa thiền ở nơi non sâu đồng vắn, bị sơn tinh, tạp mị, các quỹ vọng lượng làm não loạn phá hại, khiến cho tâm không an định, chỉ cần tụng Chú này một biến, các quỹ thần ấy thảy đều bị trói. Nếu hành giả có thể tụng trì đúng Pháp khởi lòng thương xót tất cả chúng sinh, lúc ấy ta sẽ sắc cho tất cả Thiện Thần, Long Vương, Kim Cang, Mật Tích thường theo ủng hộ, không rời bên mình, như giữ gìn tròng con mắt hoặc thân mạng của chính họ vậy.

Tiếp đó, Bồ Tát liền đọc lời kệ sắc lệnh rằng:

Ta sai Mật Tích, Kim Cang sĩ
Ô Sô Quân Đồ Ương Châu Thi
Bát Bộ lực sĩ, Thưởng Ca La
Thường theo ủng hộ bên hành giả.

Ta sai Ma Hê Na La Diên
Kim Tỳ La Đà Ca Ty La
Thường theo ủng hộ bên hành giả.

Ta sai Bà Cấp Ta Lâu La
Mãn Thiện Xa Bát Chân Đà La
Thường theo ủng hộ bên hành giả.

Ta sai Tát Giá Ma Hòa La
Cưu Lan Đơn Tra Bán Chỉ La
Thường theo ủng hộ bên hành giả.

Ta sai Tất Bà Dà La Vương
Ưng Đức Tỳ Đà Tát Hòa La
Thường theo ủng hộ bên hành giả.

Ta sai Phạm Ma Tam Bát La
Ngũ Bộ Tịch Cư Diêm Ma La
Thường theo ủng hộ bên hành giả.

Ta sai Thích Vương, Tam Thập Tam
Đại Biện Công Đức Bà Đát Na
Thường theo ủng hộ bên hành giả.

Ta sai Để Đầu Lại Tra Vương
Các thần Mẫu Nữ, chúng Đại Lực
Thường theo ủng hộ bên hành giả.

Ta sai Tỳ Lâu Lặc Xoa Vương
Tỳ Lâu Bác Xoa Tỳ Sa Môn
Thường theo ủng hộ bên hành giả.

Ta sai Kim Sắc Khổng Tước Vương
Hai mươi tám bộ đại tiên chúng
Thường theo ủng hộ bên hành giả.

Ta sai Ma Ni Bạt Đà La
Táng Chi đại tướng, Phất La Bà
Thường theo ủng hộ bên hành giả.

Ta sai Nan Đà, Bạt Nan Đà
Bà Da La Long, Y Bát La
Thường theo ủng hộ bên hành giả.

Ta sai Tu La, Càn Thát Bà
Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La
Thường theo ủng hộ bên hành giả.

Ta sai Thuỷ, Hỏa, Lôi, Điễn thần
Cưu Bàn Trà Vương, Tỳ Xá Xà
Thường theo ủng hộ bên hành giả.

Các vị thiện thần này cùng thần Long Vương, thần Mẫu Nữ đều có năm trăm đại lực Dạ Xoa làm quyến thuộc, thường theo ủng hộ người thọ trì Thần Chú Đại Bi. Nếu người đó ở nơi núi hoang đồng vắng, ngủ nghỉ một mình, các vị thiện thần ấy thay phiên nhau canh giữ không cho tai ương chướng nạn xâm phạm đến thân. Nếu hành giả đi trong núi sâu lạc mất đường về, tụng trì Chú này, thiện thần long vương hóa làm người lành chỉ đường dẫn lối. Như hành giả trụ nơi núi rừng, đồng vắng, thiếu thốn nước lửa, long Thần vì ủng hộ, hóa ra nước lửa".

Đức Quán Thế Âm Bồ Tát lài vì người tụng Chú, nói bài Kệ thanh lương tiêu trừ tai họa rằng:

"Hành giả đi trong đồng núi vắng,
Gặp những cọp sói, các thú dữ,
Rắn, rít, tinh, mị, quỹ vọng, lượng,
Tụng Tâm Chú này khỏi bị hại.

Nếu đi biển cả hoặc sông hồ,
Những rồng rắn độc, loài Ma kiệt,
Dạ Xoa, La Sát, cá rùa lớn
Nghe tụng chú này tự lánh xa.

Nếu bị quân trận giặc bao vây,
Hoặc người ác đoạt tiền của,
Chí thành xưng tụng Chú Đại Bi,
Giặc cướp tự khởi lòng thương xót.

Nếu bị vua, quan, quân sĩ bắt,
Gông cùm trói buộc giam ngục tù,
Chí thành xưng tụng Chú Đại Bi,
Vua, quan tự mở lòng ân xá.

Nếu đi vào nhà nuôi sâu trùng độc,
Uống ăn để thuốc muốn hại nhau,
Chí thành xưng tụng Chú Đại Bi,
Thuốc độc biến thành nước cam lồ.

Nữ nhân bị nạn khi sinh sản,
Khổ vì ma quái làm ngăn cản,
Chí Thành xưng tụng Chú Đại Bi,
Quỹ tà sợ trốn sinh an ổn.

Gặp rồng, dịch quỹ gieo hơi độc,
Nóng bức khổ đau sắp mạng chung,
Chí thành xưng tụng Chú Đại Bi,
Bệnh dịch tiêu trừ mạng trường cửu.

Rồng, quỹ lưu hành bệnh thủng độc,

Ung sang lở lói nhiều khổ đau,
Chí thành xưng tụng Chú Đại Bi,
Khạc ra ba lần hơi độc mất.

Chúng sinh đời trược khởi lòng ác,
Trù ếm hại cho thỏa oán thù,
Chí thành xưng tụng Chú Đại Bi,
Liền phản trở lại người trù ếm.

Chúng sinh cõi trược đời mạt pháp,
Lửa dâm dục thịnh, tâm điên đảo,
Ngoại tình, xa vợ, bỏ chồng con,
Ngày đêm mãi tưởng điều sái quấy,

Nếu hay xưng tụng Chú Đại Bi,
Lửa dục tiêu trừ, tâm tà dứt.
Công lực Đại Bi chỉ lược qua,
Nếu ta nói hết không cùng kiếp!

Khi ấy, Quán Thế Âm Bồ Tát lại bảo Phạm Vương rằng:

Này Phạm Vương! Nếu chúng sinh nào muốn tiêu trừ tai nạn ma chướng nên lấy chỉ ngũ sắc xe làm sợi niệt, trước tiên tung Chú này năm biến, kế tụng 21 biến, cứ tụng xong mỗi biến lại thắt một gút, rồi đeo nơi cổ hoặc bỏ nơi đãi để trong thân. Tâm Chú Đại Bi đây do chín mươi chín ức hằng hà sa chư Phật đời quá khứ đã nói ra. Các Đức Phật ấy vì thương xót muốn cho người tu hành: công đức lục độ chưa đầy đủ, mau được đầy đủ; mầm Bồ Đề chưa phát, mau được phát sinh; hàng Thanh Văn chưa chứng quả, mau được chứng quả; các vị thần tiên trong cõi đại thiên chưa phát lòng Bồ Đề, mau được phát tâm vô thượng Bồ Đề. Nếu chúng sinh nào chưa được tín căn Đại Thừa, do sức oai thần của Đà Ra Ni này hạt giống Đại Thừa tự sinh mầm và tăng trưởng; lại do sức từ bi phương tiện của ta, khiến cho sự mong cầu của họ đều được thành tựu.

Lại nữa, người trì tụng Đà Ra Ni này, khi thốt ra lời nói chi, hoặc thiện hoặc ác, tất cả thiên ma, ngoại đạo, thiên, long, quỹ, thần đều nghe thành tiếng pháp âm thanh tịnh, đối với kẻ ấy khởi lòng cung kính tôn trọng như Phật.

Người nào trì tụng Đà Ra Ni này nên biết người ấy chính là tạng Phật Thân, vì chín mươi chín ức hằng hà sa chư Phật đều yêu quý. Nên biết người ấy chính la tạng Quang Minh, vì ánh sáng của tất cả Như Lai đều chiếu đến nơi mình. Nên biết người ấy là tạng Từ Bi, vì thường dùng Đà Ra Ni cứu độ chúng sinh. Nên biết người ấy chính là tạng Diệu Pháp, vì nhiếp hết tất cả các môn Đà Ra Ni. Nên biết người ấy chính là tạng Thiền Định, vì trăm ngàn tam muội thảy đều hiện tiền. Nên biết người ấy chính là tạng Hư Không, vì hằng dùng Không Huệ quán sát chúng sinh. Nên biết người ấy chính là tạng vô uý, vì thiên, long, thiện thần, thường theo hộ trì. Nên biết người ấy chính là tạng Diệu Ngữ, vì tiếng Đà Ra Ni trong miệng tuông ra bất tuyệt. Nên biết người ấy chính là tạng Thường Trụ, vì tam tai ác kiếp không thể làm hoại. Nên biết người ấy chính là tạng Giải Thoát, vì thiên ma ngoại đạo không thể bức não. Nên biết người ấy chính là tạng Dược Vương, vì thường dùng Đà Ra Ni trị bệnh chúng sinh. Nên biết người ấy chính là tạng Thần Thông, vì được tự tại dạo chơi mười phương cõi Phật. Công đức người ấy ngợi khen không cùng!

Này thiện nam tử! Chúng sinh nào nghe được danh tự của môn Đà Ra Ni này còn được tiêu diệt tội nặng sinh tử trong vô lượng kiếp, huống chi là tụng trì? Nếu người nào được Thần Chú này mà tụng trì, phải biết kẻ ấy đã cúng dường vô lượng chư Phật, gieo nhiều căn lành. Nếu kẻ nào tụng trì đúng Pháp, lại có thể vì chúng sinh dứt trừ khổ nạn, nên biết người ấy là bậc có đủ tâm Đại Bi, không bao lâu nữa sẽ thành Phật. Cho nên hành giả khi thấy mọi loài, đều nên vì chúng mà tụng chú này, khiến cho chúng được nghe để cùng gây nhân Bồ Đề, thì sẽ được vô lượng vô biên công đức.

Nếu kẻ hành trì khéo giữ gìn trai giới dụng Tâm Tinh Thành, vì tất cả chúng sinh sám hối những ác nghiệp đã gây ra từ vô lượng kiếp đến nay, nơi miệng rành rẽ tụng Đà Ra Ni này tiếng tăm liên tiếp không dứt, thì trong đời hiện tại liền chứng được bốn Đạo Quả của bậc Sa Môn. Nếu là hạng lợi căn có phương tiện Huệ Quán, thì quả vị thập địa còn chứng được không lấy gì làm khó, huống chi là những phước báo nhỏ nhặt ở thế gian. Những việc như thế, nếu có mong cầu, đều được toại nguyện.

Đức Phật lại gọi Ngài A Nan mà bảo:

Này A Nan! Khi trong một nước có tai nạn nổi lên, nếu muốn được an ổn, vị quốc vương ở xứ ấy phải biết dùng Chánh Pháp trị dân, có độ lượng khoan hồng không làm oan uổng trăm họ, tha kẻ tù phạm, và giữ thân tâm tinh tấn đọc tụng Chú này. Hành trì như thế luôn bảy ngày đêm, thì trong cõi nước ấy tất cả tai nạn thảy đều tiêu tan, ngũ cốc phong thịnh, dân chúng được an vui.

Lại trong một xứ, nếu gặp những tai ương dồn dập: bị nước nghịch đem quân xâm lấn, dân tình rối loạn không yên, quan đại thần mưu phản, bệnh dịch lưu hành, mưa nắng trái thời, hoặc nhật nguyệt sai độ v.v... Muốn diệt các thứ tai nạn ấy, vị Quốc Vương phải lập Đạo Tràng, tạo tượng Thiên Nhãn Đại Bi để day mặt về phương Tây, sắm các thứ hương hoa tràng phan, bảo cái hoặc các thức ăn uống mà cúng dường, rồi dùng Thân Tâm tinh tấn tụng đọc chương cú thần diệu. Hành trì như thế đúng 7 ngày thì nước giặc quy hàng, chánh tình an ổn, lân bang hòa hảo thương mến lẫn nhau, trong triều từ Vương Tử cho đến trăm quan đều hết dạ trung thành. Nơi cung vi phi tần thể nữ, khởi lòng hiếu kính đối với vua, các thiên long, quỹ thần đều ủng hộ, trong nước khiến cho mưa gió thuận mùa, hoa quả tươi tốt, nhân dân vui đẹp.

Lại nếu trong nhà có những tai nạn như: ma quái nổi dậy, quyến thuộc đau nặng, tiền của hao mòn, gia đình rối loạn, người ác gieo tiếng thị phi hoặc vu khống để hãm hại, cho đến trong ngoài lớn nhỏ chẳng hòa thuận nhau... Muốn diệt những tai nạn ấy, gia chủ phải lập Đàn Tràng (như đã nói ở phần chữ nghiêng màu xanh trên), hướng về tượng Thiên Nhãn, chí Tâm niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát và tụng Đà Ra Ni này đủ ngàn biến thì tất cả các việc xấu như trên thảy đều tiêu diệt, gia đình vĩnh viễn được an vui.

Ngài A Nan bạch Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Chú này tên gọi là Chi? Con nên thọ trì như thế nào?

Đức Phật Bảo: Thần Chú này có những tên như sau:

Quảng Đại Viên Mãn Đà Ra Ni
Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni
Cứu Khổ Đà Ra Ni
Diên Thọ Đà Ra Ni
Diệt Ác Thú Đà Ra Ni
Phá Ác Nghiệp Chướng Đà Ra Ni
Mãn Nguyện Đà Ra Ni
Tốc Siêu Thánh Địa Đà Ra Ni

Ông nên như thế mà thọ trì.

Ngài A Nan lại bạch Phật: "Bạch Đức Thế Tôn! Vị Bồ Tát Ma ha tát, bộ chủ của Thần Chú này tôn hiệu là chi, mà khéo nói môn Đà Ra Ni như thế?

Đức Phật bảo: Vị Bồ Tát ấy hiệu là Quán Thế Âm Tự Tại, cũng tên là Nhiên Sách, cũng gọi là Thiên Quan Nhãn.

Này Thiện Nam Tử! Quán Thế Âm Bồ Tát thần thông oai lực không thể nghĩ bàn, trong vô lượng kiếp về trước đã từng thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Vì nguyện lực đại bi, vì muốn làm duyên phát khởi cho tất cả các hàng Bồ Tát, vì muốn an vui thành thục cho chúng sinh, Ngài mới giáng tích hiện làm Bồ Tát. Vậy ông và đại chúng, các hàng Bồ Tát ma ha tát, Phạm Vương, Đế Thích, Long Thần đều nên cung kính, chớ sinh lòng khinh mạn xem thường. Nếu tất cả hàng Trời, người thường xưng niệm, cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát, sẽ được vô lượng phước, diệt vô lượng tội, khi mạng chung sinh về cõi nước của Phật A Di Đà.

Đức Phật bảo ngài A Nan: Thần Chú của Quán Thế Âm Bồ Tát nói ra đây, chân thật không dối. Nếu muốn thỉnh Bồ Tát đến, nên tụng chú vào hương chuyết cụ là (tức là An tức hương).

Đức Phật lại bảo Ngài A Nan: Quán Thế Âm Tự Tại Bồ Tát có ngàn tay, mỗi tay đều tiêu biểu cho hạnh tuỳ thuận các sự mong cầu của chúng sinh. Đó cũng là do Tâm Đại Bi của vị Bồ Tát ấy hóa hiện ra.

1. Nếu chúng sinh nào muốn được giàu lớn, có nhiều thứ châu báu đồ dùng, nên trì Ấn Pháp tay cầm Châu Như Ý. Chân Ngôn rằng:
Úm! Phạ nhật ra, phạ đa ra, hồng phấn tra.

2. Nếu muốn trị các thứ bệnh trên thân, nên trì Ấn Pháp tay cầm cành dương liễu. Chân Ngôn rằng:
Úm! Tô tất địa, ca rị phạ rị, đa nẩm đa, mục đà duệ, phạ nhật ra bàn đà, hạ nẳng hạ nẳng, hồng phấn tra.

3. Nếu muốn trị các chứng bệnh trong bụng, nên trì Ấn Pháp tay cầm cái bát báu (úp ngược). Chân Ngôn rằng:
Úm! Chỉ rị chỉ rị, phạ nhật ra, hồng phấn tra.

4. Nếu muốn trị bệnh mắt mờ không thấy ánh sáng, nên trì Ấn Pháp tay cầm châu nhật tịnh ma ni (mặt trời): Chân Ngôn rằng:
Úm! Độ tỷ, ca giả độ tỷ, bát ra phạ rị nảnh, ta bà ha.

5. Nếu muốn hàng phục tất cả thiên ma thần, nên trì Ấn Pháp tay cầm Bạt Chiết La. Chân Ngôn rằng:
Úm! Nể bệ nể bệ, nể bà dã, ma ha thất rị duệ, ta ba ha.

6. Nếu muốn hàng phục tất cả oán giặc, nên trì Pháp Ấn tay cầm chày Kim Cang. Chân Ngôn rằng:
Úm! Phạ nhật ra chỉ nảnh, bát ra nể bát đa dã, ta ba ha.

7. Nếu muốn trừ tánh ở tất cả chỗ sợ hãi, không yên, nên trì Pháp Ấn tay Thí Vô Uý. Chân Ngôn rằng:
Úm! Phạ nhật ra nẳng dã, hồng phấn tra.

8. Nếu bị các việc khuấy rối, muốn được an ổn, nên trì Pháp Ấn tay cầm dây quyên sách. Chân Ngôn Sách:
Úm! Chỉ rị lã ra, mô nại ra, hồng phần tra.

9. Nếu bị bệnh nhiệt độc, muốn được mát mẻ, hết bệnh, nên trì Pháp Ấn tay cầm Châu Nguyệt Tịnh ma ni (mặt trăng). Chân Ngôn rằng:
Úm! Tô tất địa yết rị, ta ba ha.

10. Nếu muốn được mau gặp các bạn lành, nên trì Pháp Ấn tay cầm tên báu. Chân Ngôn rằng:
Úm! Ca mạ lã, ta bà ha.

11. Nếu muốn hàng phục các quỹ, thần, vọng, lượng, nên trì Pháp Ấn tay cầm gươm báu. Chân Ngôn rằng:
Úm! Đế thế đế nhá, đổ vỉ nảnh, đổ đề bà đà dã, hồng phấn tra.

12. Nếu muốn trừ những chướng nạn ác bên thân, nên cầu nơi tay cầm cây "phất trần" trắng. Chân Ngôn rằng:
Úm! Bát na di nảnh, bà nga phạ đế, mô hạ dã nhá, nga mô hạ nảnh, ta bà ha.

13. Nếu muốn tất cả người trong quyến thuộc được hòa thuận nhau, nên cầu nơi tay cầm cái hồ bình. Chân Ngôn rằng:
Úm! Yế lệ, thảm mãn diệm, ta bà ha.

14. Nếu muốn xua đuổi hổ báo sài lang và tất cả ác thú, nên trì Pháp Ấn tay cầm cái bàn bài. Chân Ngôn rằng:
Úm! Dược các sam nẳng, na dã chiến nai ra, đạt nậu bá rị dã, bạt xá bạt xá, ta bà ha.

15. Nếu muốn trong tất cả thời, tất cả chỗ, lìa nạn quan quân vời bắt, nên trì Pháp Ấn tay cầm cây phủ việt. Chân Ngôn rằng:
Úm! Vị ra dã, vị ra dã, ta bà ha.

16. Nếu muốn có người làm để sai khiến, nên trì nơi tay cầm chiếc vòng ngọc. Chân Ngôn rằng:
Úm! Bát na hàm vị ra dã, ta bà ha.

17. Nếu muốn được các thứ công đức, nên trì Pháp Ấn tay cầm hoa sen trắng. Chân Ngôn rằng:
Úm! Phạ nhật ra, vị ra dã, ta bà ha.

18. Nếu muốn được sinh về 10 phương Tịnh Độ, nên trì Pháp Ấn tay cầm hoa sen xanh.
Úm! Chỉ rị, phạ nhật ra, bộ ra bạn đà, hồng phấn tra.

19. Nếu muốn được Trí Huệ lớn, nên trì Pháp Ấn tay cầm cái gương báu. Chân Ngôn rằng:
Úm! Vỉ tát phổ ra, na ra các xoa, phạ nhật ra, mạn đà ra, hồng phấn tra.

20. Nếu muốn được diện kiến 10 phương tất cả chư Phật, nên trì Pháp Ấn tay cầm hoa sen tím. Chân Ngôn rằng:
Úm! Tát ra tát ra, phạ nhật ra, hồng phấn tra.

21. Nếu muốn lấy được kho báu ẩn trong lòng đất, nên trì Pháp Ấn tay cầm bảo kíp. Chân Ngôn rằng:
Úm! Phạ nhật ra, bá thiết ca rị, yết nẳng hàm, ra hồng.

22. Nếu muốn được đạo tiên, nên trì Pháp Ấn tay cầm hóa hiện mây ngũ sắc. Chân Ngôn rằng:
Úm! Phạ nhật ra, ca rị ra tra hàm tra.

23. Nếu muốn sinh lên cỏi Phạm Thiên, nên trì Pháp Ấn tay cầm bình quân trì. Chân Ngôn rằng:
Úm! Phạ nhật ra, thế khê ra, ro tra hàm tra.

24. Nếu muốn được sinh lên cung trời, nên cầu nơi tay cầm hoa sen hồng. Chân Ngôn rằng:
Úm! Thương yết lệ, ta bà ha.

25. Nếu muốn xua đuổi giặc nghịch ở phương khác đến, nên trì Pháp Ấn tay cầm bảo kích. Chân Ngôn rằng:
Úm! Thảm muội dã, chỉ nảnh hạ rị, hồng phấn tra.

26. Nếu muốn triệu tất cả chư thiên thiện thần, nên trì tay cầm ống loa báu. Chân Ngôn rằng:
Úm! Thương yết lệ, ma ha thảm mãn diệm, ta bà ha.

27. Nếu muốn sai khiến tất cả quỹ thần, nên trì Pháp Ấn tay cầm trượng độc lâu (đầu lâu). Chân Ngôn rằng:
Úm! Độ nẳng, phạ nhật ra xá.

28. Nếu muốn 10 phương chư Phật sớm đến đưa tay tiếp dẫn, nên trì Pháp Ấn tay cầm xâu chuỗi ngọc. Chân Ngôn rằng:
Nẳng mồ ra đát nẳng, đát ra dạ da.

29. Nếu muốn có được Phạm Âm thanh tốt nhiệm mầu, nên trì Pháp Ấn tay cầm chiếc linh báu:
Nam Mô, bát na hàm bá noa duệ. Úm! a mật lật đảm, nghiểm bệ thất rị duệ, thất rị chiếm rị nảnh, ta bà ha.

30. Nếu muốn được miệng nói biện luận hay khéo, nên trì Pháp Ấn tay cầm ấn báu. Chân Ngôn rằng:
Úm! Phạ nhật ra, nảnh đảm nhá duệ, ta bà ha.

31. Nếu muốn được thiên thần, long vương thường đến ủng hộ, nên trì tay cầm cu thi thiết câu. Chân Ngôn rằng:
Úm! A rô rô, đa ra ca ra, vỉ sa duệ. Nam Mô, ta bà ha.

32. Nếu vì lòng Từ Bi muốn cho tất cả chúng sinh được nhờ sự chỡ che, giúp đỡ, nên trì Pháp Ấn tay cầm tích trượng. Chân Ngôn rằng:
Úm! Na lật thế, na lật thế, na lật tra bát để, na lật đế na da bát nảnh, hồng phất tra.

33. Nếu muốn cho tất cả chúng sinh thường cung kính yêu mến nhau, nên cầu nơi tay hiệp chưởng. Chân ngôn rằng:
Úm! Bát nạp mạng nhá lăng, hất rị.

34. Nếu muốn tuỳ theo chỗ sinh, thường ở bên Phật, nên trì Pháp Ấn tay hiện hóa Phật. Chân Ngôn rằng:
Úm! Chiến na ra, ba hàm tra rị, ca rị na, chỉ rị na, chỉ rị ni, hồng phấn tra.

35. Nếu muốn đời đời kiếp kiếp thường ở trong cung điện Phật, không thọ sinh ở bào thai, nên cầu nơi tay hiện hóa cung điện. Chân Ngôn rằng:
Úm! Vỉ tát ra, vỉ tát ra, hồng phấn tra.

36. Nếu muốn được làm quan, lên chức, nên trì Pháp Ấn tay cầm cung báu. Chân Ngôn rằng:
Úm! A tả vĩ lệ, ta bà ha.

37. Nếu muốn được học rộng nghe nhiều, nên trì Pháp Ấn tay cầm quyển Kinh báu. Chân Ngôn rằng:
Úm! A hạ ra, tát ra phạ ni, nể dã đa ra, bố nể đế, ta bà ha.

38.Nếu muốn từ thân này đến thân thành Phật, Tâm Bồ Đề thường không lui sụt, nên trì Pháp Ấn bất thối kim luân. Chân Ngôn rằng:
Úm! Thiết na di tả, ta bà ha .

39. Nếu muốn 10 phương chư Phật mau đến xoa đầu thọ ký, nên trì Pháp Ấn Đảnh thượng hóa Phất. Chân Ngôn rằng:
Úm! Phạ nhật rị ni, phạ nhật lảm nghệ, ta bà ha.

40. Nếu muốn có được cây trái ngũ cốc tốt, nên cầu nơi tay cầm chùm bồ đào. Chân Ngôn rằng:
Úm! A-ma lã kiếm đế nể nảnh, ta bà ha.

41. Nếu muốn cho tất cả loài hữu tình đói khát được no đủ mát mẻ, nên trì Pháp Ấn tay hóa nước cam lồ. Chân Ngôn rằng:
Úm! Tố rô tố rô, bác ra tố rô, bác ra tố rô, tố rô, tố rô dã, ta bà ha.

42. Nếu muốn hàng phục ma oán trong cõi đại thiên, nên trì Pháp Ấn tay tổng nhiếp trì. Chân Ngôn rằng:
Đát nể dã thá, phạ lô chi đế, thấp phạ ra dã, ta bà đốt sắc, tra ô hạ di dã, ta bà ha.

Này A-Nan! Những việc có thể cầu mong như thế kể có ngàn điều. Nay ta lược qua chút ít phần thôi.

Khi ấy Nhật Quang Bồ Tát vì người thọ trì Đại Bi Tâm Đà Ra Ni mà nói Đại Thần Chú để ủng hộ rằng:

Nam Mô bột đà cu na mê. Nam mô đạc ma mạc ha đê. Nam mô tăng già đa dạ nê. Đế chỉ bộ tất tát đốt chiêm nạp ma.

Nhật Quang Bồ Tát bạch Phật:

Bạch Đức Thế Tôn! Tụng Chú này diệt được tất cả tội, cũng đuổi được ma và trừ thiên tai. Nếu kẻ nào tụng Chú này một biến, lễ Phật một lạy, mỗi ngày chia ra làm ba thời tụng chú lễ Phật như thế, trong đời vị lai tuỳ theo chỗ thọ thân, thường được tướng mạo xinh đẹp, được quả báo đáng vui mừng.

Nguyệt Quang Bồ Tát cũng vì hành nhân mà nói Đà Ra Ni ủng hộ rằng:

Thâm đê đế đồ tô tra. A nhã mật đế ô đô tra. Thâm kỳ tra. Ba lại đế. Gia di nhã tra ô đô tra. Câu la đế tra kỳ na tra. Ta bà ha.

Nguyệt Quan Bồ Tát Bạch Phật:

Bạch Đức Thế Tôn! Tụng Chú này 5 biến, rồi lấy chỉ ngũ sắc xe thành niệt, gia trì Chú vào, buộc treo nơi tay. Chú này do bốn mươi hằng hà sa chư Phật đời quá khứ đã nói ra, nay tôi cũng nói để vì các hành nhân mà làm duyên ủng hộ. Chú này có công năng trừ tất cả chướng nạn, tất cả bệnh ác, thành tựu tất cả Pháp lành, xa lìa tất cả sự sợ hãi.

Đức Phật bảo ngài A-Nan: Ông nên dùng lòng trong sạch tin sâu mà thọ trì môn Đại Bi Tâm Đà Ra Ni này, và lưu bố rộng ra trong cõi Diêm Phù Đề, chớ cho đoạn tuyệt. Đà Ra Ni này có thể làm lợi ích lớn cho chúng sinh trong ba cõi. Tất cả bệnh khổ ràng buộc nơi thân, đều dùng Đà Ra Ni này mà trị thì không bệnh nào chẳng lành. Dùng Đài Thần Chú này tụng vào cây khô, cây ấy còn được sinh cành lá, trổ bông trái, huống chi là chúng sinh có tình thức ư? Nếu thân bị đau bịnh, dùng Chú này trị mà không lành, lẽ ấy không bao giờ có!

Này thiện nam tử! Sức oai thần của Đại Bi Tâm Đà Ra Ni không thể nghĩ bàn! Không thể nghĩ bàn! Khen ngợi không bao giờ hết được! Nếu chẳng phải là kẻ từ đời quá khứ lâu xa đến nay đã gieo nhiều căn lành, thì dù cho cái tên gọi còn không được nghe, huống chi là được thấy! Nay đại chúng các ông, cả hàng trời người, long, thần, nghe ta khen ngợi, phải nên tuỳ hỉ. Nếu kẻ nào huỷ báng Thần Chú này tức là huỷ báng chín mươi ức hằng hà sa chư Phật kia. Nếu người nào đối với Đà Ra Ni này sinh nghi không tin, nên biết kẻ ấy sẽ vĩnh viễn mất sự lợi ích lớn, trăm ngàn muôn kiếp không nghe thấy Phật, Pháp, Tăng thường chìm trong tam đồ, chẳng biết bao giờ mới được ra khỏi.

Khi ấy tất cả chúng hội: Bồ Tát Ma Ha Tát, Kim Cang, Mật Tích, Phạm Vương, Đế Thích, Tứ Đại Thiên Vương, Thiên, Long, Quỹ, Thần, nghe Đức Như Lai khen ngợi mông Đà Ra Ni này xong, thảy đều vui mừng, y lời dạy mà tu hành.

Tổng hợp từ nhiều nguồn