Cu cu trym trym 1

August 22nd, 2009 § 0

“Tôi bật đèn lên. Đúng là trong mơ tôi đã khóc thật. Tôi lau những giọt nước mắt, rồi ghi ngay lại cơn ác mộng này.”
(Aziz Nesin)

Từ bé đến lớn anh rất thích đi du lịch.

Khi tán dóc với bạn bè anh vẫn thường bắt chước cách nói tân thời mà chệch sang thành du hí.

Không phải chỉ riêng anh, khối người cũng thích xài từ du hí hơn là du lịch.

Lấy ví dụ như cách đây chừng ba bốn năm khi ông bộ trưởng bộ Giáo Dục của ta đang yên vị trong nước bỗng dưng lại xuất hiện ở xứ Ăng Lê mà đánh một cuốc bổ túc tiếng Anh khi đã gần sáu chục tuổi - sau này đồng bào mới phát hiện thành ra có một vài lục đục rất đáng tiếc trong ngành. LAP của báo Tuổi Trẻ Cười khi ấy chớp thời cơ vẽ ngay ngài bộ trưởng chân phóng như chim bay, tay cầm cái vali dán hai chữ du hí-ọc.

Tất nhiên chuyện ngài du ọc không liên quan gì đến anh, chẳng qua tại thói quen nói chuyện lan man con cà con kê của anh đã nhiễm vào trong máu không thể nào sửa chữa được trong một sớm một chiều.

Bảo đảm trình tiếng Anh của ngài bộ trưởng thua xa anh.

Nay anh quay lại chuyện du hí.

Vì lí do kinh doanh và kĩ thuật, công ty đưa anh đi Malaysia, ta hay gọi là Mã Lai. Nước này đá banh với ta mười trận thì thua hết chín. Nhớ ngày xưa, mỗi lần đá Sea Games, bên trên có Huỳnh Đức, chính giữa có Hồng Sơn, hậu vệ có Công Minh, tiền đạo có Sĩ Hùng, đội Việt Nam ta quần Mã Lai tơi tả. Các chú cầu thủ Mã Lai cứ bốc thăm đụng Việt Nam là phát sốt rét, ra sân thì đội hình chuệch choạc, rờ banh thì như xẩm rờ chiếu rách, mặc tình cho chúng ta thả sức ghi bàn. Đứng trên trái banh mà nói một cách công bằng chính trực thì Việt Nam ta trừ Thái Lan ra chẳng sợ mẻ nào, những Sin-ga-po, Lào, Cam-pu-chia, In-đô, Bru-nây, Mi-an-ma, Phi-líp-pin… chúng ta đều luộc rất chín. Thật hoành tráng. Thời ấy anh mới học lớp 6 lớp 7 đã học đòi theo chúng bạn, mỗi khi Việt Nam thắng lại cắm lá cờ đỏ sao vàng bằng giấy tự chế đằng sau xe đạp, cong đầu cắm đít đạp vòng vòng quanh các phố, chen chúc với những chân cẳng và xe máy, mồm rúc còi toe toe toe toe toe. Thật hoành tráng. Thần tượng thời thơ ấu của anh là số 8 Nguyễn Hồng Sơn hay đi đôi giày đỏ, anh ấy chân quá dẻo, lừa bóng quá xiềng, quả có xấu trai nhưng được tài rê dắt. Thật hoành tráng.

Nay anh quay lại chuyện du hí.

Công ty đưa anh đi Mã Lai. Phải nói ngay để tránh hiểu lầm, rằng đây là lần đầu tiên anh xuất ngoại - tất nhiên nếu không kể đến lần đi đường đồng qua cửa khẩu Mộc Bài - Bavet, cái lần chỉ vì không có hộ chiếu mà anh và thằng Sơn Bobby, hai đứa phải ngồi đằng sau cái xe gắn máy cà khổ mua cách đây chắc cũng 40 năm, mồ hôi túa ra đầy trán, bám chặt lấy eo của chú cửu vạn gầy còm đen đủi chừng 40 tuổi đang hăng say chạy tạch tạch tạch với tốc độ 40 cây số một giờ trên một bờ ruộng gồ ghề rộng chừng 40 phân, mà cứ chừng 40 mét lại có một khúc cua theo một góc 40 độ, mỗi phút mỗi giây đều có nguy cơ nhào đầu xuống ruộng tắm với cá rô (là loại cá sống ở môi trường nước ngọt, nước lợ. Chúng có thịt béo, thơm, dai, ngon, có giá trị thương phẩm cao tuy rằng hơi nhiều xương. Kích thước cực đại của chúng có thể tới 250 mm[1]). Lần này thứ nhất là Sơn Bóp bi không được đi theo, thứ hai là anh đã có passport (nhân tiện nói thêm, anh đã tốn 150 ngàn Việt Nam Đồng cho một lão cò có hàm răng rất vàng và rất vẩu tên là anh Hiệp vì cái passport này), thứ ba là cửa khẩu Mộc Bài không dẫn qua Mã Lai, nên anh được đi  máy bay Air Asia. Tiền vé máy bay đâu như là một trăm năm chục US đô, đối với anh nói riêng và dân lao động Việt Nam nói chung thì quả là một số tiền to, nhưng anh không care, vì là sếp trả. Anh chỉ biết là anh sắp được xuất ngoại lần đầu tiên, được nhìn những cái lạ cái hay cái mĩ miều, có cơ hội nhớn để mở mang tầm mắt. Thật là hoành tráng. Công ty lại phát cho anh 3000 Malaysian Ringgit tức là khoảng mười lăm triệu đồng Việt Nam[2], cho dù thật ra bà kế toán đã vô tình hay hữu ý đưa nhầm cho anh 3000 đô la Hồng Kông tức là chỉ còn chưa tới bảy triệu[3]. Mặc kệ, vấn đề chính ở đây là gì? Là anh được đi du hí ở Mã Lai, đất nước láng giềng chung khối ASEAN có một đội banh mặc áo vàng quần vàng, trình độ rất tồi lúc nào cũng từ huề tới thua khi đụng đầu Việt Nam ta. Thật hoành tráng.

Đêm trước lúc đi anh không ngủ được. Không cần phải bàn cãi, đối với chuyến đi Mã Lai của anh kì này thì chuyến du hí-ọc qua Ăng Lê của ông bộ trưởng ngày ấy chả là cái đinh gỉ gì. Vì đã có thơ rằng:

Ta là một, là riêng, là thứ nhất
Không có ai bầu bạn nỗi cùng ta
[4]

Thật hoành tráng.

Nay anh quay lại chuyện du hí.

Theo lịch trình, máy bay cất cánh lúc bảy giờ kém mười lăm phút, buổi tối. Anh ra sân bay làm xong các loại thủ tục lúc sáu giờ ba mươi, hơn kém một chút không xi nhê. Xong anh đeo khẩu trang vào - dạo này đang có dịch H1N1 tức cúm heo, một loại cúm lây từ heo sang người rồi lại sang heo, rất nguy hiểm cho người nào đứng gần heo và ngược lại. Xong anh cắm máy nghe nhạc vào tai và bắt đầu thưởng thức bài Đau xót lý con cua trong khi chờ đợi được mời lên máy bay. Quang Lê hát bài này rất hay, anh giậm giựt tua đi tua lại cả chục lần, rồi giật mình nghe thông báo rằng vì lí do kĩ thuật và hiển nhiên là ngoài ý muốn, máy bay sẽ đến lúc 9 giờ 20 phút, tức là trễ hơn so với dự kiến hai tiếng ba mươi nhăm phút, đồng nghĩa với việc chuyến du hí của anh sẽ mặc nhiên bị cắt mất gần cả ba giờ đồng hồ. Thật là đau xót (lý con cua), nhưng không sao, anh vẫn còn cả khối thời gian để mở mang tầm mắt, nhìn những cái lạ, cái hay, cái mĩ miều. Thật lòng mà nói là anh rất đói nhưng không dám đi ăn, vì biết đâu máy bay lại bất thình lình lăn đến đúng lúc anh đang rung đùi nhe răng mà gặm cẳng gà thì cũng phiền chăng. Tất nhiên có một số người bảo rằng máy bay cũng như nhiều thứ khác của chúng ta chỉ có muộn chứ không có sớm, có tăng chứ không có giảm, nhưng - nhất là sau khi nghe câu chuyện cô gái miền Tây phụ tình chàng trai miền Tây trong Đau xót lý con cua - anh không dám tin nữa. Cho nên trong suốt mấy tiếng đồng hồ, anh đeo khẩu trang bịt mặt, tai nghe iPod, lưng vác ba lô, chân mang giày dã chiến đi qua đi lại trước cửa số 19, chốc chốc lại liếc nhìn đồng hồ để bất cứ ai có chút kinh nghiệm tối thiểu đều biết rằng anh sắp đi nước ngoài. Đường hàng không, bằng máy bay Air Asia.

Thật hoành tráng.

Quả anh có tài tiên liệu, máy bay đến sớm hơn dự kiến, vào lúc 9 giờ 10 phút. Khi nghe tiếng loa phóng thanh cất lên “Mời quý khách lên chuyến bay AK 884 của hãng hàng không Air Asia” bằng đủ các thứ tiếng trên đời, anh vội vội vàng vàng lao ra từ toilet - vì con người ta có thể nhịn ăn nhưng thật khó mà nhịn ấy - và xông thẳng aboard. Máy bay hơi nhỏ, kiểu sáu ghế mỗi hàng, nhìn có vẻ cũ kĩ giống như chiếc ngày xưa hay chở vua Bảo Đại lên Đà Lạt săn voi, tiếp viên hơi đen, mập, nói tiếng Anh lơ lớ, nhưng anh chẳng cần. Anh chỉ còn cách Mã Lai hơn một giờ bay. Không phải ai cũng được đi du hí ở nước ngoài, cái sự thể là như thế.

Máy bay bắt đầu lăn bánh. Sau đó một lát, máy bay bắt đầu cất cánh. Anh nhìn xuống phía dưới, đèn đuốc sáng rực mặt đất. Có cả tiệm Vina Giầy và Phở 24. Khoảng bốn năm năm về trước, khi còn học Aptech, buổi tối anh thường phải phụ thằng Thái Minh Nguyên chạy bàn hủ tiếu ở vỉa hè đường Lê Thánh Tôn gần chợ Bến Thành để kiếm chỗ ngủ qua đêm. Lúc đó giá một tô phở bò cỡ bự - có thể làm vỡ bụng một thằng sinh viên ốm đói gầy còm như anh - giá chừng mười ngàn đồng. Cho nên khi Phở 24 mở cửa hàng ở mặt tiền đối diện, bán một tô phở giá hai mươi bốn ngàn, anh vừa kinh ngạc vừa thèm thuồng lại vừa tò mò không biết ngoài vàng với kim cương ra người ta còn bỏ cái hợp chất vô cơ gì vào phở mà bán đắt thế. Dạo ấy anh với thằng Nguyên, hai thằng chạy bàn cứ mỗi lúc rảnh tay lại ngoác mồm nghêu ngao “Hai tư phím cầm chiều, hai tư nhành sương mím… riêng đêm em xõa hai tư tô phở xuống đời, anh giữ lại anh ăn”. Thằng Nguyên bây giờ, sau cú đụng xe đêm khuya móp đầu suýt vong mạng đã kết luận “Cuộc đời này nó mong manh lắm, ai biết được sống nay chết mai” và thuê nhà, lấy vợ, đẻ ngay đứa con trai backup đặt tên Thái Thiên Vương. Còn anh thì ngồi trên chiếc máy bay số hiệu AK 884 bay đi du hí bên Mã Lai. Thật hoành tráng.

Nay anh quay lại chuyện du hí.

Máy bay đáp xuống sân bay Kualar Lumpur. Việc đầu tiên anh làm sau khi hoàn tất thủ tục checkout là chạy đi đổi tiền. Việc thứ hai là xộc vào cửa hàng Mc Donald’s kêu ngay cái bơ-gơ cứu đói. Việc thứ ba là ngồi nhồm nhoàm nhai, tai vểnh lên nghe các loại tiếng Malay, tiếng Indo, và tiếng Trung Quốc xen kẽ nhau thành một mớ âm thanh rất hay ho tuy rằng hơi khó hiểu. Sau đó anh hoàn tất luôn việc thứ tư, mua vé taxi đến Sungai Besi Kem, khu nhà mà lão William CTO của công ty đang ở. Qua bao gian nan trầy trật nơi đất khách quê người, phải hỏi đường ba bốn bận, tốn biết bao nhiêu là tiền xu cho điện thoại công cộng, cuối cùng anh cũng mò được đến nơi. Đó là một cái nhà to kềnh ba bốn tầng nằm trong khu biệt thự, có cổng điều khiển từ xa, phía trước đậu hai chiếc BMW một đen một trắng, trong nhà con con chó giống gì đó lông lưng nhẵn nhụi lông bụng lại bung xòe rất đẹp tên là Rocky. Năm bảy tuổi anh bị chó cắn một lần vào ống chân đến giờ còn để sẹo, từ đó anh rất sợ chó, nhưng con Rocky này thì anh không sợ, vì ngoài cái mẽ ngoài giống chó ra, tất cả các thành phần còn lại nó có vẻ giống lợn hơn: mập thù lù, kêu ụt ịt, lười như hủi, chuyên gia nằm ép bụng xuống sàn, đuổi không buồn đi đá không buồn dậy vân vân và vân vân… Thật hoàng tráng - ý anh là cái nhà của William. Lúc anh đến là gần ba giờ sáng, William từ trên lầu phễnh phệ lăn xuống giơ tay chào “Hi”. Anh được sắp xếp cho một cái phòng kha khá là rộng rãi, có đầy đủ giường nệm, máy lạnh, tủ áo, bàn viết, ti vi, cả một cái WC xài chung với phòng bên cạnh - chú kiến trúc sư nào thiết kế cái mô hình xài chung nhà xí này mà gặp thầy Cổ Thiên Hậu của anh bảo đảm rớt tốt nghiệp. Nhân đây anh cũng nói luôn cho đỡ hiểu lầm về sau, kiến trúc sư giảng viên Cổ Thiên Hậu không có bà con dây mơ rễ má gì với nam tài tử dách lầu Cổ Thiên Lạc; có lẽ chỉ vì thấy thầy ấy khó tính và có khuynh hướng hoài cổ nên mấy chú sinh viên bị đánh rớt bài mới bất mãn mà đem cái tên Lạc Hậu ra trộ thầy chăng.

Nay anh quay lại chuyện du hí.

William chỉ cho anh xem cái phòng rồi nói: Ở nhà tao cũng có hai người Việt Nam nữa mà giờ họ ngủ rồi, có gì không biết thì mai mày xuống dưới gặp họ mà nhờ vả. Anh “ô kê lô”, bụng ngạc nhiên khoái chí - ai ngờ được, mấy ngàn cây số mà vẫn gặp cùng hội cùng thuyền, đồng nhang đồng khói. Chắc khách quý của William, lão mời đến ở cho vui cửa vui nhà, vì nói gì thì nói, cái biệt thự ba bốn tầng lầu này mà chỉ có hai vợ chồng son với con Rocky ở kể cũng hơi thừa diện tích. Thật chẳng bù cho ở quê anh ngày xưa, vợ chồng con cái, ông nội, bà ngoại, lại có cả cô Mười Thêm, cậu Út Nhỏ, chú Tá, thím Tám Mót cùng chen chúc trong một cái nhà hai gian mái tranh vách đất, lâu lâu lại nổ ra một trận cãi nhau hoặc đánh nhau rất ác chiến mà kẻ thủ bại không biết chạy đi đâu nấp cho nó kín người. Quê anh ngày ấy rất vui, mỗi khi nhà nào đánh nhau lại có con nít chạy đến đứng lóc nhóc đầy sân, đứa quần cụt thủng đáy, đứa ở truồng, đứa áo ba lỗ dính đầy nhựa chuối, đứa đầu trọc ghẻ chốc, đứa lại tóc khét nắng dài phủ mang tai, tất thảy đều múa chân huơ tay cổ vũ rất nhiệt tình cho cả hai đội. Anh cũng ở trong đám ấy, cũng hò hét rất hùng hồn khí thế, lâu lâu cũng bị ông chồng nhảy ra bợp tai vài phát, rất vui. Thời gian như đưa nôi. Bữa nay ở nhà William, tuy rằng không có thím Tám với chú Tá đánh nhau nhưng lại có hai ông khách quý cũng người Việt Nam trên xứ lạ, kể cũng khơi gợi những kỉ niệm êm đềm của tuổi thơ anh. Anh thay quần áo, vừa đánh răng vừa hát bài “Vượt ngàn dặm xa, người đến đây với mảnh đất này” của Thanh Thúy, rồi tắt đèn lăn quay ra ngủ.

Anh thức dậy vào lúc mười một giờ rưỡi giờ Mã Lai (tức GMT+8), lúc vợ chồng William còn ngủ khò. Anh đi xuống tầng trệt. Có một bà xem hình thù mặt mũi có vẻ là người Việt Nam đang đứng làm bếp. Anh giơ tay chào “Hê lô”. Bà trợn mắt nhìn anh không nói tiếng nào, sau đó làm rớt đôi đũa.

Anh nhìn kĩ lại một chút, rồi đến lượt anh trợn mắt nhìn bà, sau đó làm rớt đôi đũa. Tức là, nếu như anh cũng có đũa trong tay để mà rớt.

Thì ra hai quý khách người Việt đang ở trong nhà William là hai bà maid[5], được thuê từ bên Việt Nam qua để giúp việc nhà.

Trưa và tối hôm đó anh ăn cơm với vợ chồng William.

Trưa hôm sau anh ngồi ăn cơm với maid.

Thật hoành…

Nay anh quay lại chuyện du…

Nhưng sự thật là, khốn nạn, anh hết thấy gì hoành tráng, mà cũng toi luôn ý muốn du hí.

Em, em gọi cuộc đời này là “true mosaic”, là bức tranh lớn khảm nhiều màu. Mỗi sáng sớm em cầm trên tay cái máy ảnh Nikon D50, em len lỏi trong những chợ, những xóm nhà, những khu dinh thự Phú Mỹ Hưng, những gầm cầu, những bến sông; mỗi tối em lang thang trên đường Lê Duẩn, em ngồi cà phê vỉa hè, em vào quán Vắng, em về Thủ Đức, em lên quận 5, em xuống Bình Thạnh. Em đã đi nhiều nước, có những nước giàu như Anh, như Úc, như Hà Lan, như Nhật, như Pháp, như Singapore, cũng có những nước nghèo xác xơ như Campuchia, như Lào. Em đã thấy chuột túi nhảy trong vườn thú, đã ngồi vẽ chân dung dưới tháp Eiffel, đã đi qua điện Buckingham ngắm đàn quạ bay, đã uống rượu sakê trong vườn anh đào, đã chui vào trong cối xay gió và chụp hình bên cạnh hoa tulip. Em cũng đã gặp nhiều người, nhiều hạng người, có người thông minh, có người ngu xuẩn, có người nồng nhiệt, có người lạnh lẽo, có người chất phác, có người dối trá, có người lùn thích chơi bóng rổ, có người gầy gò thích môn Xumô, lại có người suốt ngày ngắm mình trong gương rồi tự so sánh mình với Brad Pitt và Johny Depp. Em hiểu về cuộc sống hơn anh, em sâu sắc hơn anh, em lạc quan hơn anh. Em trả lời giúp anh, từ lúc nào Việt Nam ta đã trở thành một cái kho nhân công rẻ mạt, tại sao lại có hai người giúp việc (“đầy tớ”) quốc tịch Việt Nam trong nhà một người Mã Lai? Tại sao hai người đó phải ăn riêng, sau khi chủ nhà đã đã no bụng? Tại sao cơm của chủ thì thơm dẻo còn của họ thì khô như rang, lại có mùi hôi giống như gạo mốc để lâu ngày? Tại sao họ chỉ có hai con cá kho với dĩa rau luộc - tô thịt đầy anh ăn tối hôm trước đi đâu? Tại sao trong nhà phòng nào cũng có máy lạnh, giường nệm, tivi, mà phòng của họ lại là một cái kho có cái giường lò xo phủ một lớp vải mỏng dính, một cái quạt tai voi, một đống quần áo chưa ủi và một cái máy giặt chạy suốt đêm ngày? Tại sao họ chỉ được xài điện thoại mỗi sáu tháng? Tại sao ba năm họ mới được về thăm nhà một lần? Tại sao họ ngạc nhiên đến đánh rơi đũa khi có người giơ tay chào họ? Tại sao họ ngồi ăn cơm với anh, nói chuyện một hồi đội nhiên anh thấy nước mắt của họ chảy thành dòng xuống bàn, trộn lẫn với chén cơm đang ăn, một chuyện mà trước giờ anh vẫn nghĩ là chỉ có trong sách vở hoặc kịch nói?

Em, sau chuyến đi Malaysia của anh trở về, say lảo đảo vì suốt ngày ngồi trong xe hơi phóng 120kmh trên đường cao tốc, em bảo anh nên tiếp tục viết sách như thế nào? Về cái gì? Chuyện tình giữa nàng tiểu thư và chàng lãng tử? Cuộc phiêu lưu đi tìm kho báu giữa làng phù thủy? Con chó Nhật lông xù giành miếng bơ gơ với con mèo trên chiếc ghế sofa màu cánh gián? Đội bóng đá Việt Nam giành thắng lợi liên tục trước đội Inđô? Rồi ai sẽ viết về hai bà đầy tớ người Việt vẫn còn đang ngồi khóc trong phòng ăn ở Mã Lai? Anh, hay em, hay bạn Huỳnh Mai Mẫn Thục, hay một nhà văn trẻ mới nổi nào khác có ngòi bút mềm mượt như lông chuột cống vẫn thường ngồi viết trong một tiệm cà phê Highland nào đó?

Em, em có biệt tài về ngôn ngữ, em giỏi cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng Anh. Em đã học tiếng Pháp tới cấp trung - a tort ou à raison? Em từng học qua tiếng Đức - haben du nicht? Em giỏi bắt chước giọng miền Tây, giọng Nghệ An, giọng Quảng Ngãi, giọng Quảng Trị, giọng Hà Nội, giọng Huế - dạ em là người con gại Huệ, một chiệc lạ rơi cụng làm em hoạng shợ. Em dịch giùm anh nguyên văn câu này - cái câu mà bà maid viết vô tờ giấy để ở đầu giường khi anh đi gặp khách hàng để quên ví tiền ở nhà, chữ nguệch ngoạc và rất to, giống như chữ học sinh lớp 1:

An, chị dử bôp tiền của em. Dì nhiều nguời.

Thật hoành tráng.

Ha ha ha.

  1. Theo Wikipedia []
  2. Theo Google ngày 5/7/2009, 1 Malaysian ringgit = 5 063.69643 Vietnamese dong []
  3. Cũng theo Google và cũng ngày 5/7/2009, 1 Hong Kong dollar = 2 304.14286 Vietnamese dong []
  4. Sưu tầm và sai chính tả []
  5. Maid là danh từ tiếng Anh để gọi cho nó lịch sự đúng đẳng cấp quý tộc, chứ bình dân chúng ta vẫn hay gọi là “giúp việc” hoặc “người ở”, hoặc tệ hơn nữa là “đầy tớ”. []

§ Bàn tán

Đây cái gì

Đang đọc Cu cu trym trym 1 tại Yahoo! 360 đã ngỏm.

Thêm thắt