Cu cu trym trym 6

June 6th, 2010 § 1

Em bảo cuộc đời này thảm hại lắm xấu xa lắm
Tất cả đều buồn cười vô nghĩa lí
Mà khổ sở mà chết người
(Lưu Quang Vũ)

Ở một góc phố nọ, nơi giao nhau giữa hai con đường tấp nập tên là đường tấp nập này và đường tấp nập nọ, có một quán bia hơi nho nhỏ xinh xinh gọi là quán bia hơi nho nhỏ xinh xinh nọ. Thật ra khách quan mà nói, quán cũng chẳng xinh xắn mốc gì. Ngoài cái mặt bằng dẹp lép hình chữ nhật bẹt và cái cầu thang lồng sắt chật hẹp dẫn khách đi thẳng vào lỗ cửa hố xí luôn luôn bốc mùi nôn mửa tởm lợm, ngoài dăm ba cái ghế gỗ cũ kĩ mốc meo xếp xiêu vẹo san sát nhau như cá mòi gần ban công cong queo gỉ sét, nơi các loại khách có thể tùy theo hứng mà thò tay ra túm búi dây điện đung đưa chơi, hoặc tung chân đá vào ống quyển của nhau rồi đứng lên tát nhau lốp bốp, ngoài lão chủ quán hay mặc quần đùi khoe lông chân đứng tính tiền hoặc dắt xe máy thì cái quán chẳng có gì hay ho. Thế mà dạo này anh rất hay ngồi lì ở đó, châm bia và rít thuốc lá, rồi lại nhìn xuống, rồi lại nhìn lên, rồi lại nhìn chung quanh, một mình huýt sáo vài bài, hát nhảm vài bài, một mình cười dở hơi như Papillon mới cùng hiệp tác với Mc Murphy trốn trại thành công, một mình trông yêu đời như thằng cha táo bón kinh niên bỗng dưng một ngày ăn hai tấn đu đủ nhuận được trường bèn đánh những quả rắm tung bay, mắt môi xinh tươi mặt mày rạng rỡ hai tai vẫy như bướm vàng.

Là vì cuộc sống ở cái góc phố ấy thật muôn màu muôn vẻ, cứ như cờ treo ở trụ sở Liên Hợp Quốc, làm anh thích mê mệt đến mức có thể cắm đầu xuống đất được. Trước đây anh cứ nghĩ để mở mang trí tuệ con người ta phải ra sân bay mua vé giá rẻ hoặc nhảy lên tàu nấp vào toa-lét hoặc bơi thuyền thúng đến xứ sở hiện đại văn minh nào đấy như sang Miên sang Thái sang Miến-Điện, lại sang Đại-Hàn sang Nhựt-Bổn sang Tân-Gia-Ba sang Phi-Luật-Tân sang Gia-Nã-Đại sang Ba-Lê, lại sang Mễ-Tây-Cơ sang Bồ-Đào-Nha, lại sang Á-Mỹ-Lợi-Gia cùng với những là Nữu-Ước và Ca-Li và Hoa-Thịnh-Đốn, hoặc thám hiểm những xứ còn hoang sơ chỉ sống được tuyền những chủng loại súc vật và phân hữu cơ, như cưỡi lạc đà hai bướu đi lắc lư trên sa mạc Xa-ha-ra, như đi săn hải cẩu mặt trơn da bóng ở Bắc-Băng-Dương, như trèo núi tuyết trên đỉnh Hy-Mã-Lạp-Sơn, hoặc ở nhà vừa trồng cây chuối vừa coi chương trình thế giới động vật có những loại súc vật như là san hô và cá đầu búa choảng nhau với lươn phóng điện dưới đáy vực Ma-ri-a-na. Hóa ra là không phải. Gần đây anh mới ngộ ra cái chân lí rằng, nếu chịu khó quan sát và tìm tòi anh sẽ có một cuộc sống thực là phong phú thi vị mà không cần phải lủi thủi lếch thếch đi đâu cho nó xa xôi, cũng chẳng cần mất thêm xu teng nào cả. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ chẳng phải tìm nơi chốn mênh mông nào, nó chỉ ở cách anh một cái ban công mục nát và một lỗ hố xí hôi rình, đích thực là như thế.

» Vẫn chưa hết, bấm đây để đọc «

Cu cu trym trym 5

May 16th, 2010 § 0

Tôi biết làm gì tôi biết đi đâu
Tôi chẳng còn điếu thuốc nào
Đốt lên cho đỡ sợ
(Lưu Quang Vũ)

Tại vì anh sợ anh sẽ chết sớm.

Trên đời này từ đàn ông cho chí phụ nữ, từ trẻ em còn mũi dãi lòng thòng cho đến người lớn ngồi trong văn phòng móc cứt mũi đợi hết giờ làm, từ bác nông dân bán một kí thóc năm ngàn đồng cho chí anh công nhân ăn một bữa trưa bốn ngàn đồng cho chí me xừ viên chức hút một điếu thuốc mười ngàn đô(ồng), không ai là không sợ một cái gì đó. Ta hãy nhìn sang Tàu: Tần Thủy Hoàng chạy quanh chân cột la hét đủ loại Hán tự vì sợ Kinh Kha dụng trủy thủ đâm; trăng sợ bị Lý Bạch độ cồn quá cao tung ngón cẩu vồ; ông cụ xóm Thạch Hào sợ bờ tường cao quá tuổi già gân nhão đầu gối run trèo không nổi. Ta lại hãy nhìn sang Tây: Lev Tolstoy cuối đời bỏ nhà đi lang thang đầu đường xó chợ đến nỗi chết lạnh ở nhà ga vì sợ vợ, Pushkin tuổi trẻ nông cạn, cương ẩu đấu súng đến nỗi tiệt mạng vì sợ mất vợ; Hitler có chòm râu cứt mũi trông oai phong lẫm liệt, giết người như ngóe thế mà lại đi sợ máu, dân Do Thái thông minh tuyệt đỉnh dám đóng đinh cả Giê-xu lên trên thập giá lại đi sợ Hitler; George Washington thời thơ ấu chặt gãy cẳng cây đào rồi đi sợ daddy, mà daddy của George Washington có thằng con dũng mãnh như Thạch Sanh lại bắt chước Lý Thông mà đi sợ cái rìu.

Trong cái viu như trên anh tự xếp mình ngang ngửa với Victor Hugo và Thái Sử Từ. Anh sợ chết.

Chỉ mới gần đây thôi. Trước đây, khi Hugo văn gia được đưa vào điện Panthéon và Thái Sử võ tướng được Lục Tốn kéo từ trận tiền về thì anh chưa đến nỗi sợ chết như thế.

Khi anh còn nhỏ, anh hay lên nhà bà nội bác xin cam. Nhà bà anh có một khu vườn rộng lớn trồng toàn cam, ra trái rất nhiều và rất to và rất ngon và anh rất thèm và nhà nuôi chó rất to và có lẽ rất ngon nhưng vì còn nhỏ chưa biết ăn thịt chó nên anh chưa thèm. Anh còn nhớ như in, lúc ấy anh khoảng bảy tám tuổi, cao bảy tám tấc nặng bảy tám kí lô thân hình hoàn toàn bình thường, da đen thùi lùi tóc cháy khét lẹt, mặc cái quần tà lỏn màu cháo gà, áo thun ba lỗ dính đầy nhựa chuối, mũi xanh thò lò, chân đi đất đầy mụn nhọt, chạy lên nhà bà chào hi grandmom rồi ra tọt ra sau vườn. Anh đi quanh quanh, mắt anh hau háu nhìn lên đám cam lủng lẳng, miệng anh mút mút mấy ngón tay đầy ghét, rất là một vẻ hèn hạ. Bà anh lúc đầu còn thương tình thằng cháu đói khát nên cũng xách cù nèo quèo cho anh mấy trái về ăn, dần về sau chắc chán ngán cái thái độ liên tục xin cam không biết điều không biết xấu hổ không biết sĩ diện nên cứ để mặc kệ. Anh đi tới đi lui trong vườn chán, mút tay chán, bị con chó ngon nhà bà cắn cho một phát răng ngập lút vào trong đầu gối, chạy về nhà khóc te te. Cha anh kiến thức y học lúc ấy hãy còn nông cạn hơn Pasteur ít nhiều, trong lúc bối rối không biết làm sao, đành rút đại túm nhang trên bàn thờ châm lửa đốt xòe, quơ qua quơ lại trước chân anh, miệng khấn ông bà lâm râm, khói bốc lên nghi ngút làm anh thấy rất hay, rồi bà nội anh lại đem xuống bịt vào mồm anh nguyên một thúng cam rất to làm anh thấy rất ưng dạ, nên chi anh không khóc nữa. Nghĩ lại, lúc đó con chó kia mà bị điên thì coi như anh cũng ngủm dại, nhưng anh quả là thiếu niên anh hùng, gan dạ thật không kém cạnh Lê Văn Tám[1], vừa ngồi ăn cam vừa gãi ghẻ sồn sột, coi cái chết tựa như tơ hồng chung tình làm đôi, chẳng sợ tí quéo nào.

Lớn thêm một chút, anh ra thành phố học, được tiếp xúc với thế giới văn minh, có nhà xi măng, đường nhựa, kem ăn được cả li nghe rôm rốp, đồng hồ quả lắc vừa lắc vừa kêu boong boong, xe rác vừa hốt rác vừa kêu leng keng, nước vặn vòi buổi trưa kêu tồ tồ buổi khuya kêu tỏng tỏng, thật là thiên đường trần gian. Nhưng cái đặc biệt hơn cả là thành phố có điện. Những buổi tối trời không cúp điện, nhà nhà lại mở các loại đèn ống trắng soi phòng khách nơi người ta ngồi và đèn tròn vàng soi hố xí nơi giòi bò ruồi nhặng bay, rộn rã tiếng trống đồng quay tít mù trên ti vi báo hiệu chương trình thời sự và tiếng hát ngợi ca anh hùng Lâm Xung vừa thét gào những mối cừu hận “Lý Sư Sư ngươi dám lé sơ sơ hả” vừa phi khinh công trên nắp áo quan phóng bát xà mâu đâm xuyên thấu ngực Cao Cầu vì can một cái trọng tội khốn khổ khốn nạn là đá cầu cao. Năm ấy anh chừng mười tuổi, chân ướt chân ráo từ trên núi xuống, chỉ mới nghe danh ông Thomas Edison qua bài giảng đạo đức “Ê-đi-xơn giành ghế với cụ già trong xe cứu hỏa và bị lơ xe đánh, các em nhớ cẩn thận biết thân phận mình đừng đánh nhau với lơ xe”, nào có biết điện đóm là cái mô tê gì, cứ tưởng là một loại củi mới. Cho nên một chiều nọ sau khi tắm táp vệ sinh cơ thể xong anh mới nhón chân thò tay vào sau cái ổn áp Lioa đặt cạnh bồn cá cảnh, thứ nhất là để sưởi ấm thứ hai là để hong khô. Điện đang điềm nhiên ngồi trong cái ổn áp xoay xoay các chiều, tự nhiên thấy có bàn tay thò vào, tất nhiên ngứa mắt liền giật anh một cái “tè” làm anh ngã lăn ra. Cũng may thời ấy dân ta còn xài điện áp thấp một trăm mười vôn, nếu không anh đã cháy thành than từ rất lâu rồi. Ấy thế mà anh không sợ. Anh nằm trên sàn nhà, tê cứng toàn thân từ đầu đến đít được chừng vài phút, xong ngồi dậy phủi đít phèng phẹt gãi đầu sồn sột đưa ra kết luận rằng điện không ấm như củi, rồi đi mua kem ăn, miệng đọc bài “Chú thợ điện” rất ăn giọng, như sau:

Như chim gõ kiến
Bám dọc thân tre
Ồ, chú thợ điện
Đu mình tài ghê!

Quần áo chú xanh
Trời không xanh thế
Bàn tay chú khoẻ
Bóp cong gọng kìm.

Hoa sứ bắc lên
Trắng hai vai cột
Dây điện từ đất
Chú căng ngang trời…

Cháu đứng quên chơi
Ngắm nhìn chú mãi!
[2]

» Vẫn còn một khúc, hãy ấn vào đây «

  1. Nói thêm, anh còn vượt trội hơn Lê Văn Tám ở chỗ anh có cái sẹo rất thẩm mĩ ở chân, anh có cam ăn, và anh có thật. []
  2. Chú làm nhiều vào
    Cháu cho nghìn tỉ. []

Cu cu trym trym 4

April 2nd, 2010 § 3

Muốn lên tàu đi đâu thật xa
Nhưng nhà ga đã sụp
Ngã tư mưa nhớ em
Vừa thương vừa trách giận
Sao chân em dẫm đạp
Lên những gì tôi yêu?
(Lưu Quang Vũ)

“Anh ơi em mới đi công tác về. Ấn Độ anh ạ. He he! Vui lắm anh ạ, bên đấy trâu bò đi đầy đường. Hehe! Bụi bặm kinh khủng. He he! Ấn Độ nghèo lắm anh ạ, mạt rệp luôn. Y chang như trong phim Slumdog Millionaire. He he! Em ở Ấn Độ xong về thấy Việt Nam mình thật là sung sướng. Công tác phí mỗi ngày ba trăm đô, chả phải làm gì cả anh ạ. He he! Ở khách sạn năm sao anh ạ! He he! Sắp tới em sẽ đi Sri Lanka. Sao mà em sướng quá anh ạ! Hehe! Em chỉ lo kiếp sau không được sướng thế này. He he!”.

He he.

Em, chúng ta sướng hơn Ấn Độ rồi sao?

Anh chưa tới Ấn Độ. Trong cái kiến thức hạn hẹp của anh, Ấn Độ là một đất nước kia ở châu Á, đông đúc hạng nhất nhì thế giới - dân số chỉ thua mỗi anh Ba Tàu, cái anh mà nếu để dân chúng xếp hàng một diễu qua trước mắt em thì cái hàng sẽ không bao giờ dứt vì cứ đẻ hoài đẻ mãi không ngừng nghỉ. Khác với dân Tàu, dân Ấn da đen nhẻm, mắt to tướng, mũi cao cao khoằm khoằm, đàn ông có râu mép rậm rịt, đàn bà có cái chấm ngay giữa trán, thích mặc đồ truyền thống lùng nhùng hay đội bình lên đầu ngồi thổi rắn. Ấn Độ có nhiều người không ăn rau thờ bò thì cũng nhịn đói một tháng mỗi năm. Ấn Độ có những du-già thích đi trên lửa, ngồi trên chông, tắm dưới thác, lại có nhiều đền đài miếu mạo hai bên bờ sông Hằng, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến Taj Mahal là cái lăng mộ kia do ông vua kia xây cho bà hậu kia, nhìn thực trắng thực to, hai hàng trụ tròn hai bên một bể bơi vuông chính giữa, thật mũm mĩm xinh xắn. Ngoài những cái đó ra, theo chỗ anh được biết, Ấn Độ còn có Linh Hồn Lớn Mohandas Gandhi với kĩ thuật giải phóng dân tộc bất bạo động đã luyện thành thục đến mức độ kĩ xảo và Thánh Sư Rabindranath Tagore với tuyệt nghệ làm vườn ra thơ đem đi dâng đoạt giải Nobel văn học từ những năm đầu tiên của thế kỉ trước, một lắm râu tóc một trọc lóc đầu, cả hai cùng vĩ đại như nhau.

» Vẫn chưa hết, bấm đây để đọc «

Cu cu trym trym 3

March 29th, 2010 § 1

Em đừng thương anh nữa
Anh đi lủi thủi trên đường
Đánh mất lòng tin
Tìm về bếp lửa
Xem trẻ mục đồng
Múa trong tượng gỗ
Những đôi vợ chồng
Cởi áo cho nhau
(Lưu Quang Vũ)

Dạo gần đây anh không viết nhiều. Anh hay đi lang thang ngoài đường, chụp ảnh và vẽ. Anh đăng hình biếm họa lên The Daily Faces, gửi icon cho Six Revisions, tút lại LinkedIn và post bài trên Thica.net. Cái máu văn chương của anh, cái giấc mơ điên cuồng bất đắc chí của anh – làm một thằng nhà văn nổi tiếng nghiêng ngửa văn đàn Việt Nam và được lên Đại Tự Điển Bách Khoa Toàn Thư Ô Phèn Quy Ky – coi như đã nguội quá nửa. Đôi lúc anh nhìn lại mình ngày xưa mà vừa tự khâm phục vừa tiếc rẻ cho mình – cách đây ba năm, uống vài chai Sài Gòn Đỏ, ngà ngật say, ngồi chống mắt gõ bàn phím lốp cốp lúc ba giờ sáng trong khi thằng Long Huế hăng say múa kiếm và nhảy Audition, còn thằng Quang mập thì ngủ lăn cù quay trên chiếu, lâu lâu lại gãi cái lưng đầy lang ben một cách rất sồn sột. Thời đó anh viết về mọi thứ: quán cà phê Cóc Ghẻ trong hẻm Xương Chó với cây xoài Tịt Đẻ và mụ chủ có tài đi ngang Như Cua, hố xí lềnh bềnh cứt của trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh với bài thơ bất hủ Ước Gì Anh Hóa Ra Giòi, siêu phẩm Darling Sài Gòn phố nhái lại thơ Phan Vũ (nay đang được đăng nhiều nơi với tít “Thơ trào máu họng”), thằng cha cảnh sát giao thông mặt lợn chuyên nấp cây cứt lợn thổi xe chở lợn đặng moi tiền dân rất lợn, cây cầu (xây thí mẹ) bắc qua sông Kwai bị đặt bom làm cả khối đồng chí vong mạng vì đủ thứ lí do ngu như bò, anh hùng Nga Xô Vắc-xi-li chuyên gia bắn tỉa (aka nhắm rồi bắn lén) chui trong chăn chổng mông đít trắng hếu làm tình trong tư thế cực nhọc lạc với đào vú bự Rây-xồ Vây thật rất chi gợi dục vân vân và vân vân.

Dạo gần đây anh không viết nhiều được như thế. Nhưng - nói không phải là để sướng với bản thân - anh vẫn còn đi nhiều, đọc nhiều, thấy nhiều, và và xem khá nhiều.

Thật thê thảm cho anh.

Không có gì thê thảm cho bằng đi nhiều đọc nhiều xem nhiều thấy nhiều mà chỉ rặt toàn những chướng tai gai mắt.

Họa chăng chỉ có việc thấy chướng tai gai mắt mà bán thân bất toại toàn thân bất lực là có vẻ thê thảm tương đương.

(Vì khoa học đã chứng minh rằng, không bị bất lực tức là có ít khả năng bị xì trét, tăng cường miễn nhiễm, tránh được các bệnh nan y có thể tái đi tái lại như táo bón, hăm bẹn, sùi mào gà, trĩ búi, ung thư tuyến tiền liệt; thật là kinh tế, thật là hay, mọi nhẽ.)

Cái thê thảm thứ nhất là anh phải chứng kiến càng lúc càng nhiều ăn mày và các dạng đồng vị của ăn mày.

Anh ngồi bên bờ kè đường Trường Sa - Hoàng Sa, đoạn gần cây cầu sắt đen sì sì bắt ngang qua dòng kênh đen sì sì quanh năm suốt tháng bốc mùi hôi thối. Cứ mỗi năm phút một, hoặc là từ trái anh có một ông lê qua, hoặc là từ phải anh có một bà lết lại, đều đặn như một quả lắc đồng hồ. Đủ hết các thành phần, đủ hình đủ dạng, đủ thể loại, đủ màu sắc mùi vị. Què vì xe đụng - có! Cụt chân vì dính miểng đạn từ năm 74 - có! Rụng hết các ngón vì phong cùi - có! Tứ chi trụi lủi theo phong cách One của Metallica - có! Mù - có! Chột - có! Kính râm Arnold - có! Thân hình cong vẹo - có! Thân hình thẳng đuồn đuột - có! Thân hình gãy gập - có! Đi trên chân - có! Đi trên xe lăn Kiến Tường - có! Đi trên tay - có! Đi trên mông với mông trên dép - có! Nhảy chồm chồm - có! Bò lê bò toài tiếp cận mục tiêu bảo đảm tính bất ngờ - có! Ăn mày vì già yếu bệnh tật - có! Ăn mày vì bị con thảo dâu hiền đạp ra đường - có! Ăn mày vì bị cướp đất - có! Ăn mày vì thích cái đẳng cấp, yêu cái sĩ diện, mê cái xì tai, ghét cái định kiến xã hội mà quý cái kiêu hãnh nghề nghiệp - có!

Cứ thế lắc lắc, lăn lăn, lê lê, lết lết, lại lắc lắc, lại lăn lăn, cái binh đoàn Cái Bang ấy vừa dõng dạc điểm danh vừa hoành tráng diễu qua diễu lại trước mặt anh với những mũ và nón thò ra và thụt vào, tung bay rợp trời như một sớm đầu thu khai trường khi Thanh Tịnh còn bị mạ nắm tay lôi xềnh xệch trên con đường bờ kè dài và hẹp cách đây không lâu còn chạy qua chạy lại nhiều lần, khi Quang Lê còn bé nhỏ theo mẹ đến trường học cách ngồi hố nhỏ, và khi Bùi Đình Thảo cùng với Minh Chính hai người một mình giương cái dù cọ che nắng bên dòng Nhiêu Lộc nước trong thầm thì đi tung tẩy tung tăng. Thỉnh thoảng lại có một chín túi đeo cây đàn điện đánh sô lô tiếng clean theo phong cách ngũ cung Pentatonic pha Dorian, lâu lâu điểm xuyến vào một vài nốt hoa mĩ y boong Steve Vai, làm các chú đang ngồi xem pê đê chế biến lẩu cá kèo rất là một lòng giậm giựt, vung muỗng đũa gõ chén gõ nồi hát ca nhặng xị cả lên. Nếu trời không mưa có thể lại có một thằng nhóc vác miểng chai lưỡi lam đến nhai rào rạo, phun dầu đốt lửa không thua gì Earthquake của Samurai Shodown[1], rồi thét “Á a Á a” thực là khiếp kinh, hoặc một thằng không nhóc lái xe tành tành đến dựng ở đầu kia vỉa hè rất hồn nhiên đứng ca bản “Và anh sẽ không bao giờ, không bao giờ anh bó tay” cũng kinh khiếp không kém.

» Vẫn còn một khúc, hãy ấn vào đây «

  1. Nó là một cái game thùng (aka game bỏ xu) hồi xưa anh hay chơi thiếu nợ quán bà Thanh đầu hẻm, trong có hiệp sĩ mù, ninja Quạ, ninja Chó, Hai Lúa, Cóc Ghẻ, với những tuyệt chiêu như chém vào chân làm đứt đôi người rớt ra tiền, ra bông, ra quạt, lại có đại tuyệt chiêu Thiên Hạ Củ Nhân Sâm (quay kiếm bảy vòng hết máu) của samurai Hảo Ma Rù. []

Cu cu trym trym 2

August 22nd, 2009 § 0

tôi yêu đất nước này lầm than
mẹ đốt củi trên rừng và cha làm cá ngoài biển
(Trần Vàng Sao)

Hôm nay anh đọc được một tin:

Việt Nam được đánh giá là một trong những nơi hạnh phúc nhất trên thế giới, do có tuổi thọ cao, con người hài lòng với cuộc sống và gây ít tác động tới môi trường[1].

Chúng ta đứng thứ 5 thế giới về độ hạnh phúc. Cùng hạnh phúc với ta có Costa Rica, Dominica, Jamaica, Guetamala, Colombia, Cuba, El Salvador, Brazil và Honduras. 65% dân số chúng ta hài lòng với cuộc sống thực tại.

Em, anh không biết nên buồn hay nên vui với cái tin rất vui này.

Anh chưa đi hết một nghìn bảy trăm ba mươi lăm cây số dọc chiều dài đất nước. Suốt ngày anh chỉ quẩn quanh trong cái tổ của anh. Ở nhà anh ôm cái desktop, lên công ty anh lại ôm laptop, chiều về anh chen chúc trong đám kẹt xe dài từ ngã tư Cách mạng tháng 8 đến cây xăng Lê Văn Trỗi, cuối tuần đi học đàn thầy Châu Sinco, đi đánh với  band ở nhà lão Lộc Unlimited, xong lại chạy ra Hàn Thuyên ngồi bù khú với tụi thằng Hưng Sẹo, Cường Lít, Đồng Bát, Vũ Phú Yên. Cái tổ của anh nó chật hẹp như một cái mạng nhện bỏ hoang bám đầy những bụi bặm trong gậm tủ,  mà anh lại là con ruồi quẫy đạp đến lòi dom, lâu lâu cũng tự kéo mình ra được đến nhà xí và chân bàn nhưng rồi bụp một cái - đâu lại hoàn vào đấy.

Chắc là anh chưa đủ già. Anh cũng chẳng đại diện cho ai - lấy tư cách đâu. Nhưng ai đã đại diện cho anh để hài lòng với cuộc sống và đứng top 5 về hạnh phúc?

Anh thích Bài thơ của một người yêu nước mình, nhưng phía Bắc anh chưa thấy ải Nam Quan, phía Nam anh chưa đến mũi Cà Mau.

Ngày hôm qua, ngày hôm nay, có thể ngày mai nữa anh sẽ chỉ đi qua những con đường trong cái thành phố này, đông đúc và mịt mù bụi khói.

Anh đi qua những vỉa hè rộng một mét rưỡi nham nhở những gạch vỡ, bùn đất lầy lội, thỉnh thoảng lại có một đống rác rất to nằm dưới dòng chữ in hoa “Chỗ chó đái” quét loang lổ bằng than đen và vôi trắng. Anh đi qua những tủ điện cao thế mốc meo bung cả cửa, đề “Cấm vào, nguy hiểm chết người” cùng với hình đầu lâu bắt chéo, những cây cột đèn dán chi chít quảng cáo hút hầm cầu, trị trĩ nội trĩ ngoại, dạy đàn ghi ta “Chỉ cần hai tháng mình sẽ tự tin đàn cho cô ấy nghe” trên giấy photocopy loại mỏng rẻ tiền. Anh đi qua những búi dây nhợ nặng có lẽ không dưới một tạ tây vắt qua những nhánh cây, lòng thòng xuống cả mặt đường hãy còn lênh láng nước do trận mưa rào mười phút ngày hôm qua để lại.

Anh đi qua ngã tư Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ, nơi có một cái lô cốt rất to bao bọc bằng bốn miếng tôn nằm chắn ngang đường, chỉ thông được xe từ nửa đêm về sáng. Ngày hôm qua, ngày hôm nay, có thể ngày mai nữa, xe máy và xe tải sẽ còn phải chen chúc nhau ở đó, người ta sẽ còn văng tục, chửi thề, nhổ nước bọt, anh con trai đang ngồi trong chiếc xe cấp cứu kêu quay quắt kia sẽ còn phải vừa chùi nước mắt vừa nắm bàn tay lạnh ngắt của mẹ mình, cô gái bịt khẩu trang khắp mặt ngồi trên chiếc xe tay ga rất to kia sẽ còn phải tự dằn vặt có phải mình đang vô tình góp phần giết chết một mạng người hay không. Anh đi qua bồn binh Hàng Xanh trong trời mưa tầm tã, gió thổi phần phật buốt tới xương, ngày hôm qua, ngày hôm nay, rồi ngày mai nữa vẫn sẽ có mấy đứa nhóc đen đúa nhếch nhác nằm co ro trên thảm cỏ, trong tấm áo mưa rách tơi tả, mỗi lần có tiếng xe dừng đèn đỏ lại choàng dậy, hai tay đầy cáu ghét cầm cái ca nhựa nứt bể, giương đôi mắt rất to đầy ghèn rỉ, đầu gục gặc xin tiền. Anh đi qua những hàng quán buổi đêm trên đường Trường Chinh, đường Bà Hạt, đường Nguyễn Tri Phương, đường Bình Giã, bán phở, hủ tiếu, bánh mì bò kho, sâm lạnh, nước mía, hột vịt, cá viên. Anh đi qua những thằng sinh viên kiến trúc của tuổi anh ngày xưa – cách đây chừng vài ba năm - gầy tong teo, mắt lồi ra sau tròng kính, mím môi mím lợi cố sức dựng chống đứng chiếc Attila của đám gái nhảy mới túa ra từ các quán bar và vũ trường, bưng tô nước lèo sánh ra bị chửi xơi xơi vào mặt, thức đến bốn giờ sáng kiếm được hai mươi lăm ngàn đồng, vội vội vàng vàng vẽ cho xong cái đồ án nhà liên kế để khỏi phải đóng tiền học lại. Anh đi qua những bà cụ run lẩy bẩy trên xe lăn, chân tay co quắp, nước dãi nhễu rớt đầy hai bên khóe mép, thều thào “con giúp giùm ngoại tờ vé số, ngoại khổ lắm con ơi”. Anh đi qua ông diễn viên hài to béo rất nổi tiếng vẫn hay lên tivi đang ngồi rung đùi trên chiếc ghế súp, chửi sau lưng một gã đồng nghiệp ngu như bò, tay phẩy lia phẩy lịa, cuối cùng quay sang quát: Phiền quá bà già, cút!

» Còn nữa chưa hết, bấm vào đây để đọc tiếp đừng ngại «

  1. Thật ra đây là “chỉ số hành tinh hạnh phúc” HPI, trong đó có tính tới tuổi thọ, mức độ hài lòng và tác động môi trường. Trên Wikipedia ghi rõ: một nước được xếp hạng cao có thể có “hạnh phúc cao” và “tổn hại môi trường trung bình” như Panama hoặc “tổn hại môi trường ít” và “hạnh phúc xoàng” như Việt Nam. []

Đây là mô?

Đang xem Cu cu trym trym tại Yahoo! 360 đã ngỏm.