30 Năm Trước, Tự Sự Của Một Người Từng Là Lính

January 6th, 2009 § 0

Nguồn: Blog Osin

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi vừa vào đến cổng trường, chúng tôi nhận được tin: Vào lúc mờ sáng, “Trung Quốc đã đem quân bắn giết dọc theo Biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta”. Sáng ấy, nhiều đứa trong chúng tôi đi thẳng từ trường phổ thông đến ủy ban nhân dân xã. Chúng tôi đăng ký nhập ngũ mà không kịp nói một câu với chính cha mẹ của mình.

“Quân bành trước Bắc Kinh” đã kéo chúng tôi từ lớp học ra thẳng chiến trường. Nhưng, không hiểu sao nhà trường hôm nay, lại không nói gì về cuộc chiến tranh kéo dài thế giằng co hơn 10 năm ấy. Ba mươi năm trước, những “đàn trẻ nhỏ”, chạy “từ Biên giới về”. Ba mươi năm sau, những đứa trẻ ấy lớn lên và biết: Tháng 4/1956 nhân khi quân Pháp vừa rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc, lúc này đã trở thành “xã hội chủ nghĩa anh em”, chiếm đảo lớn nhất thuộc Hoàng Sa. Ngày 19-1-1974, sau khi Trung Quốc ký Thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ và sau Hiệp Định Paris 1973, Mỹ rút lui khỏi Việt Nam, Trung Quốc, vẫn đang là “xã hội chủ nghĩa anh em”, đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, giết 58 chiến sỹ Hải Quân Sài Gòn, chiếm đảo. Ngày 14-3- 1988, Trung Quốc lại tấn công một số đảo đá của Trường Sa giết hại 74 người lính Hải quân Việt Nam và, từ đó, chiếm luôn những hòn đảo ấy.

Rồi. Ngày 12-11-2008, Trung Quốc tuyên bố đầu tư 29 tỷ USD cho một dự án “khảo sát và khai thác Biển Đông”. Trong đó, bao gồm cả những biển đảo của Việt Nam mà Trung Quốc vẫn còn chiếm giữ. Bốn tháng trước, 7-2008, khi hãng dầu khí Mỹ, ExxonMobil, hợp tác với Việt Nam trong một dự án thăm dò ở Nam Côn Sơn, Trung Quốc đã gây áp lực với ExxonMobil để họ phải rút lui. Năm 2007, Trung Quốc đã gây áp lực buộc BP ngưng hoạt động trong dự án dầu khí có vốn đầu tư 2 tỷ USD với Việt Nam ở hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch. Năm 1994, Trung Quốc phản đối hợp đồng dầu khí giữa Việt Nam và Mobil ở vùng Thanh Long. Chỉ hai năm sau khi họ ký hợp đồng thăm dò dầu khí với công ty Crestone ở vùng Vũng Mây-Tư Chính. Tàu Trung Quốc “đi lại nghênh ngang” ngoài Biển Đông, trong khi, các dự án của Việt Nam thì phải cay đắng rút lui mà không làm gì được.

Thế hệ chúng tôi, lớn lên “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”, có nhiều sự kiện xảy ra ở Thủ đô, ở Biên giới và ngoài Biển mà chúng tôi không hề được biết. Chúng tôi vẫn hát về Mao Trạch Đông như “mặt trời lên” khi mà “Bác Mao” lần lượt đem quân chiếm Hoàng Sa, rồi Trường Sa. Chúng tôi hát, “núi liền núi, sông liền sông” khi mà nhiều ngọn núi, khúc sông đã không còn nữa. Cho đến ngày 17-2… Được cầm súng, được “vạch mặt, chỉ tên” quân xâm lược cũng là hạnh phúc. Cho dù, nhiều khi ngẫm lại, sự thật chỉ được thông tin vừa lúc, đủ để chúng tôi tất tả lên đường.

Không như chúng tôi, các bạn trẻ hôm nay không ngồi chờ nhà trường “mớm” cho gì thì biết nấy. Nhưng bi kịch của họ lớn hơn… Thật không dễ dàng gì khi biết một kẻ đang rình rập bên ta mà vẫn phải nghe họ xưng là “láng giềng tốt”; một kẻ đem tàu chiến sang giết người giữ đảo của ta vẫn xưng là “đồng chí tốt”; một kẻ dùng áp lực để đuổi đối tác tìm dầu của ta mà vẫn nhận là “bạn bè tốt”; một kẻ ngang nhiên hút dầu ngoài biển của ta mà vẫn phải gọi là “đối tác tốt”.

Khi tôi đang viết entry này thì đọc được trên blog Nông Dân Gió Lào, người Trung Quốc sẽ tổ chức một lễ hội hoa đăng ở Hà Nội, dự kiện bế mạc vào ngày 17-2 năm nay. Nông Dân Gió Lào cũng dẫn tin trên Vietnamnet nói rằng, năm 2004, người Trung Quốc cũng đã tổ chức một lễ hội hoa đăng ở Đà Nẵng, khai mạc đúng vào ngày 19-1. Năm ấy, họ kết 30 cụm hoa đăng, theo Nông Dân Gió Lào, ứng với 30 năm ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, một huyện đảo thuộc về Đà Nẵng (19/1/1974- 19/1/2004). Có thể bởi “tình đồng chí” mà khi cấp phép, chính quyền địa phương đã không quan tâm lắm đến sự trùng hợp này. Nhưng, Nông Dân Gió Lào cho rằng các “chú Tàu” thì không làm gì “ngẫu nhiên”, kể cả việc, hồi cuối tháng 11, họ cho tàu mang tên Trịnh Hòa, người mà họ nói là đã phát hiện ra Hoàng Sa và Trường Sa, cập vào Đà Nẵng.

Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm mấy đảo đá ở Trường Sa. Việt Nam chuyển sang đường lối quan hệ “đa phương”. Thật may mắn là Việt Nam đã không rơi vào tình thế “đơn phương” với một gã khổng lồ vừa đánh trộm vừa xưng là “anh em, đồng chí”.

Nhà nước có những lý do để cư xử với lân bang chín chắn. Nhưng, sự “bồng bột” của dân cũng cần thiết để sự thật, đôi khi, có cơ hội phơi bày. Người dân không bao giờ muốn chiến tranh, vì nếu nó xảy ra, chỉ có họ mới là người ra trận. Tôi đã nói chuyện với nhiều người dân ở Biên giới hồi tháng 3-1979. Tôi có nhiều người bạn là lính ở sư đoàn đóng quân tại Lạng Sơn trong ngày 17 tháng 2. Cái mà chúng ta nói là “chiến thắng” cũng đã phải trả bằng đầu rơi máu chảy.

Tôi có hơn 3 năm ở Campuchia trong giai đoạn chiến tranh, biết câu chuyện Khmer Đỏ chống lại Việt Nam chỉ 2 tuần sau khi nhờ Việt Nam mà có trong tay quyền bính. Biết, sau lưng Pol Pot có bàn tay của ai. Nhưng, tôi cũng đã gặp nhiều người Việt-Gốc-Hoa, trong số hơn 675 nghìn người Việt-Gốc-Hoa phải ra đi trong những năm sau 75, 78. Nhiều người lúc ấy không biết tiếng Hoa, nhiều người đã từ lâu coi mình là dân Việt. Nhiều người khi rời Việt Nam đã không chọn Trung Quốc như là tổ quốc. Vận nước, phải chăng đã không tránh được thế đối đầu? Trung Quốc năm nào cũng nhắc lại cuộc chiến 17-2-1979, tại sao Việt Nam lại không bàn về nó một cách công khai và rút ra bài học cho mình.

Tôi có mặt ở Hồ Gươm vào cái đêm bóng đá Việt Nam thắng Thái Lan ở lượt đi (24-12). Có mặt trên đường phố Sài Gòn ngay sau khi bóng đá Việt Nam vô địch (28-12). Đi trong thác lũ người tràn ra đường hôm ấy, nghĩ, chỉ bóng đá thôi ư mới có được sức mạnh thế này. Ngay từ thế kỷ 19, khi mà lãnh thổ của một quốc gia vẫn còn có thể mở rộng bằng chinh phục, Định ước Berlin 1885 và Tuyên bố Lausanne 1888, đã nói: “Dùng vũ lực để chiếm giữ một vùng lãnh thổ đã có chủ là một hành động phi pháp”. Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển (1982) cũng tái khẳng định tinh thần này. Chúng ta chưa có bom hạt nhân, chúng ta chưa có tàu to súng lớn. Đất nước ta rất nhỏ. Dân ta không nhiều. Sức mạnh của chúng ta chính là chủ quyền pháp lý.

Ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi chúng tôi sục sôi tiến về Biên giới, đảo vẫn mất mà đất nước lặng im. Thầy giáo dạy sử ở trường lặng im. Báo chí văn chương lặng im… Tôi không rõ không khí ở trong các phòng họp căng thẳng ra sao. Chỉ biết, nếu ngồi đó, tôi sẽ lạnh lưng khi bên ngoài im lặng. Chỉ có sát cánh với nhân dân mới có thêm sức mạnh, đừng để cho từng chiếc đũa bị tách ra và bẻ gãy từ từ.

Không đề III (Lưu Quang Vũ)

November 26th, 2008 § 0

Anh lên xứ Đoài xưa
Ba Vì mây trắng
Nhớ mặt em gầy sau lá mưa
Lênh đênh bến nước Trung Hà
Những chị buôn chè
Ngủ hè phố cũ
Con bò gầy đói cỏ
Đi trên đồng mê man
Những pho tượng gỗ chùa Phùng
Thiêm thiếp dưới tầng lá mục
Còm cõi bà già chợ huyện
Khóc thời con gái thuốc lào say
Ông tiến sĩ giấy ngồi chắp tay
Ham rượu nên vua bỏ
Hia rách áo hồng ủ rũ

Em mua về cho anh
Khuôn tượng dân gian
Anh treo trên tường
Nhìn em mà thương
Đốt một tuần nhang
Lau bức sơn dầu lấm bụi
Cô Kiều đàn nguyệt tặng chàng Kim
Người hoạ sĩ nay giả điên
Mắt buồn ngơ ngác
Mặc áo mưa đi lang thang
Giấy vụn lông chim dính đầy tóc bạc
Tranh đẹp chẳng ai mua
Gác xép gió lùa
Hoạ sĩ già nằm dưới pho tượng cổ
Nghe trong đầu sóng vỗ
Tiếng trẻ con thì thào
Bàng hoàng thức dậy
Ôm phích nước hát nghêu ngao
“Người đẹp trong tranh chẳng có đâu
Mong gì kì ngộ…”

Em đừng thương anh nữa
Anh đi lủi thủi trên đường
Đánh mất lòng tin
Tìm về bếp lửa
Xem trẻ mục đồng
Múa trong tượng gỗ
Những đôi vợ chồng
Cởi áo cho nhau

Bài thơ không đề
Chép trên giấy bản
Em cần gì giếng lạnh
Tâm hồn anh cô quạnh dưới lòng sâu
Ngẩng lên biền biệt mây cao
Cuộc đời thăm thẳm
Tình anh như cỏ lau
Tìm nhau trên đất vắng
Nơi ấy em về mưa sẽ tạnh
Hoa cúc vàng nở trên cánh tay

Entry for December 01, 2007

December 1st, 2007 § 2

Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

(Lời mẹ dặn)

Entry for November 26, 2007

November 26th, 2007 § 0

Tôi ở phố Sinh Từ
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
Không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.

Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về
- Anh ạ.
Họ vẫn bảo chờ…
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư?
Trời mưa, trời mưa
Ba tháng rồi
Em đợi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã…
Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi
Em ơi!
Em có biết đâu
Ta khổ thế này
Vì sao?
Em biết đâu
Mỹ Miếc, Ngô Nghê gì?
Khổ thân em mưa nắng đi về
lủi thủi
Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
Em cúi đầu đi, mưa rơi

Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ

(Nhất Định Thắng)

Thư của bố

October 1st, 2007 § 2

Con trai yêu quý của bố! Việc học quả là khó khăn gian khổ, mẹ con nói phải đấy… e hèm.

Vậy là thấm thoắt bóng trâu phi cửa sổ đã được mười bảy năm, nay con trai của bố đã lên mười bảy tuổi. Tuyệt vời, con ạ. Mới ngày nào con còn ị bô và kêu gào như chợ cháy, nay với sự trợ giúp của Dielac Mama, con đã cao một mét tám mươi nhăm, lông chân một thùng, lông nách một gánh, thủ dâm mỗi sáng, mộng tinh hằng đêm, và có thể đường đường chính chính bẻ gãy sừng hươu - tất nhiên bố con ta đang giả định rằng hiện là mùa xuân và hươu nai đang thay gạc.

Con trai yêu quý!

Hôm trước con có hỏi bố về định hướng nghề nghiệp - ừ, vì con sắp phải bước vào cuộc thi bốc cứt đầy khí thế để chen chân vào giảng đường đại học đặng sau này vợ chồng rau cháo nuôi nhau. Bố bận quá, con ạ, công việc ngập đến rốn, cấp dưới ngu độn, cấp trên ngu đần, nên đến hôm nay bố mới trả lời con được. Vậy con hãy đọc đây mấy dòng tu huýt của bố - tất nhiên ý bố là “tâm huyết”. Con hãy đọc đây tấm lòng của một kẻ bố yêu con [vỗ tay].

Trước hết, con có bảo bố rằng con mộng làm giáo viên? À, con ạ, đó là một giấc ác mộng đẹp, vì nghề giáo là một nghề cao quý. Đến bây giờ đầu năm thứ tóc, xung quanh bờm xơm chính giữa trọc, bố vẫn còn thuộc lòng mấy câu thơ:

“Sáng nào em đến lớp
Cũng thấy cô đến rồi
Đáp lời ‘Chào cô ạ’
Cô mỉm cười thật tồi”

Nhưng con ơi, thơ ca là một chuyện mà thực tế nó lại là một chuyện hoàn toàn khác. Con sẽ bảo bố rằng nước ta có Nguyễn Đình Chiểu, có Võ Trường Toản, lại có Chu Văn An, vị thì viết lục bát bụi môn, viết văn tế, vị thì dâng thất trảm sớ, dạy những ba ba cá sấu thuồng luồng, thật là vẻ vang, thật là sáng chói. Bố bảo con rằng: kẻ ốm người mù, chết sạch còn đâu. Thời nay chỉ còn một lũ người không ra người ngợm không ra ngợm, thu học phí cắt cổ, dụ sinh viên vào nhà nghỉ, hiếp dâm nữ sinh lớp 9, đánh như đánh chó học trò lớp 5, ở nhà treo bảng giá điểm trong phòng khách, lên lớp thì giảng rặt những điều ba lăng nhăng đặng ép con người ta đi học bớt học thêm; giáo dục đại loạn. Thế nên [phẩy] thôi con chẳng nên bon chen làm gì con nhỉ, không có con giòi bọ cũng đã nhiều rồi.

Con lại muốn làm chú công an, đêm đêm tuần tra cho xóm làng yên giấc? Hoặc nhặt của rơi đem về đồn đợi người tới nhận? Hoặc súng giắt ngang h[m]ông, trừ gian diệt bạo, bảo vệ người cô thế? Tuyệt vời. Giấc mơ của con đẹp đấy. Mở mắt ra con sẽ thấy công an tát tai dân thường, công an lôi dân vào nhà trọ hiếp, công an nấp gốc cây cứt lợn thổi xe, công an chui bờ chui bụi bắn tốc độ. Lớp SBC ngày xưa lái mô tô bằng chân và rạp người bắn súng, có người hy sinh khi đang bắt cướp, có người tàn tật, có người vì điều tra tội phạm ma túy mà lây nghiện, những anh hùng ngày xưa của bố giờ già cỗi cả rồi, giải thể hết rồi. Mơ tiếp đi con, thức dậy làm gì, cay mắt lắm.

Con lại muốn làm ông bác sĩ già vui tính, chữa bệnh cho con nít không lấy tiền, tìm ra thuốc mới xổ giun không gây nhiễm trùng tiêu hóa, nghiên cứu thuốc Đông y trị bệnh HIV? Ồ dê, còn gì bằng. Học ngành y hay lắm, con sẽ phân biệt được thế nào là vàng da sinh lí, thế nào là vàng da nhân, cái ghẻ nó màu gì, con sâu răng hình dạng ra sao, tại sao lại bị thiên đầu thống, các triệu chứng của thoát vị bẹn cấp, bệnh quai bị để lại di chứng gì về sau… Hay lắm. Con lại biết thề lời thề Hippocrates cũng như hứa lời hứa Hypocrites, biết bên Tàu có Hoa Đà Biển Thước thì bên ta có Hải Thượng Lãn Ông, con đi sau đít trường đại học kiến trúc thành phố sẽ không còn phải bỡ ngỡ hỏi Phạm Ngọc Thạch là cục đá nào. Ồ dê, còn gì cho bằng nữa. Hức. Nhưng ôi thôi, thời nay con sẽ thất nghiệp dài dài, con ạ. Nếu con không biết cách lừa bệnh nhân, đưa toa thuốc ung thư cho người bướu cổ, nếu con không biết bán thuốc giả, thuốc quá đát, thuốc hoàn tán cao đơn, nếu con không luyện cho thành thục tuyệt chiêu mặt dày mày dạn, thấy người hấp hối như đã chết rồi, khám bệnh răng cho con ông giám đốc trước bệnh hở van tim của bà bán rau, thì cả đời con sẽ phải nằm khoèo ở nhà mà kê đơn cho mụ vợ tới cữ hàng tháng hoặc cho thằng con út đã lên lớp bảy mà còn bị nổi sảy mé gần hậu môn…

Con lại mơ làm anh kĩ sư, ông công trình sư, bác kiến trúc sư, vẽ nên ngôi nhà đẹp, xây được con đường rộng, treo cây cầu ô văng bắc qua con sông hai bên bờ tre? Cho em thơ mỗi sáng bi bô đến trường? Cho già cỗi mỗi chiều ra công viên đánh cầu lông, đá cầu mây? Cho trẻ trung mỗi tối mò mò ra ghế đá sờ nhau và nói những những lời whisper có cánh? Cũng có một thời bố ước mơ như thế - chà, thời xưa bố còn ngu hơn cả bây giờ, con ạ. Sự thật nó khác, khác nhiều lắm. Khi con cầm cái bằng kĩ sư, kiến trúc sư, công trình sư màu đỏ chót trên tay, con sẽ quên bẵng đi cái hoài bão xây nhà đẹp, đường rộng, cầu to mà ngày xưa con hằng ấp ủ như gà mái đẻ. Lúc ấy con sẽ cắm đít đọc các sách về tử vi và phong thủy để nắm các huyệt các cốc, lừa chủ nhà kiếm thêm tiền bỏ nhà băng. Con cũng sẽ tập gặm đá, gặm xi măng, gặm thép cho thật tài. Khi nhà đổ, cầu sập, nông dân chết, công nhân ngỏm, con lại trưng cái bằng của con ra, con viết lên những phương trình đầy dẫy những là xích ma, dấu chấm than, căn bậc mười bảy cùng các dấu mũ, thao thao bất tuyệt nói chuyện kỹ thuật để chứng minh rằng đời này chỉ chết vì ngu không ai chết vì đá đè hay nằm đè lên đá. Đến khi thấy không xong, con lại sẽ phải chạy quanh, đổ cho thầu này khoán nọ, đổ cho mưa dầm lún đất, đổ cho địa tầng cà rỡn, sa tầng cà tưng. Cơ khổ.

Con lại mê làm chú nhạc sĩ, tay trái cầm cây đàn tay phải cầm cây bút Parker, sáng tác ra những bản nhạc để đời, mỗi lần hát lên là đồng bào sa lệ? Ừ, bố cũng ước ao nhà ta có người kế tục cụ tằng, đi theo con đường âm nhạc, một người nổi tiếng cả họ ké ké mùi thơm. Có thể con sẽ sáng tác nhạc cổ điển, nhạc không lời, như Môde súng sáu và Bách súng cối. Có thể con sẽ chơi nhạc rốc, con viết bài Phi-nịt, bài Í-gồ, hầu mong đồng bào ngoại công thâm hậu vừa nghe vừa tóc tai rũ rượi, lắc cổ nhịp chân. Cũng có thể con chế mấy bản kinh điển cỡ cỡ Ca-sa-bờ-lăn-ca, hoặc Bú-lê-va, hoặc Ca-lết Quít-phờ. Rồi xong, con của con ăn mì tôm, vợ của con ăn rau sống, nhà con sẽ không nuôi nổi chó - nếu con mua nổi một cái nhà. Vì Đàm Vĩnh Hưng sẽ không trùm mền hét bản nhạc của con. Vì Mỹ Tâm sẽ không lắc mông rú khúc hát của con. Vì anh Ưng, anh Vân, anh Đan, chị Thanh Thảo, chị Quỳnh Anh, chị Bích Hữu, các anh chị ấy sẽ không eo éo những tuyệt phẩm của con. Có gì mà éo? Không có ai thất tình, không có tay ba, không có kẻ đến trước người đến sau, không có anh chàng đẹp trai ngồi trong quán uống li cà phê, không có chuyện giữa hai người đàn ông “tôi nói anh nghe anh nghe tôi nói”, có chó điên mới họa may mà éo. Thôi thôi, con ạ. Chết đói đến nơi đấy, bố chẳng đùa đâu.

Con lại ái mộ ngài luật sư tung hoành ngang dọc, chạy như lăng quăng trong phòng xử án, đòi lại công bằng cho người bị oan sai, trừng phạt những kẻ gian tà. Con cày ngày cày đêm, tọng vào bụng một bồ văn sử địa đặng đi thi ban Xê. Đậu đại học luật rồi, con lại cầy đêm cầy ngầy, mệt mỏi tới mức viết sai chính tả, nhồi nhét các loại luật dân sự, hình sự, quốc sự, vô sự, nhiễu sự, và tùm lum sự nữa. Sau đấy thì con ra trường, con vào làm thư kí bồi thẩm đoàn, con leo lên được chức thẩm phán, rồi bò bò vào ghế chánh án, tay phải con cầm đế, tay trái con cầm búa. Đến lúc đấy thì, chết mẹ, con quên phắt mất cái động lực ban Xê rất là huy hoàng năm xưa. Võ khí đã có trong tay rồi, con bắt đầu mặc sức quai búa, vung đế, bẻ cái cán cân nghiêng trái quẹo phải theo ý của con - tức là của cái thằng đút tiền vào mồm con. Thế là oan tình khắp nơi, dân kêu như vạc, dân chửi như đào mả, bố đang yên vị trong mồ cũng phải đêm đêm lật bia mộ, bò dậy đi quanh, miệng huýt sáo chân nhảy bản Thriller của Mai cồ Giắc sơn, cầu cho siêu thoát.

Con cũng thần tượng chị nhà báo mặc quần bò áo thun khoét cổ hình trái tim, túi giắt mười hai cây bút bi và bảy cây bút máy, quần đeo cái máy thâu âm JVJ dung lượng 1GB $30 một cục, tay lăm lăm máy ảnh Ca nông Đi-ghi-tồ, đi phỏng vấn từ thằng giết người cho đến ông chủ tịch huyện - thật ra thời này hai loại người đó lắm khi cũng chẳng khác đếch gì nhau. Con những muốn lên mặt báo viết những bài xã luận có trọng lượng mấy ngàn kí lô Niu tơn, bênh vực kẻ thế cô. Con những mong theo gương những cụ Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Phạm Duy Tốn ngày xưa, dùng bút đâm cho mấy thằng gian ruột lủng bụng lòi, mỗi sáng uýnh thùng thiếc ca bài chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Nhưng bố bảo con, con ạ, bút giờ toàn là hàng Trung Quốc, mềm lắm, mà mấy thằng gian tà gian tế nó khoác lên người ít nhất là năm lần giáp, thế nên con có đi tập tạ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai thêm mười năm nữa cũng chẳng sờ tới rún được chúng nó đâu. Bài xã luận con viết, có cho những vàng con cũng sẽ không dám ghi cái tên rất dũng mãnh và hoành tráng mà bố mẹ đã phải nghĩ sói cả tóc mới ra là Phan Văn Đuýt Đuỵt, mà phải rụt rè sợ sệt hèn đớn thậm thụt hai chữ “PV”. Cho dù có cẩn thận che tông giấu tích như mèo giấu cứt như thế, con cũng sẽ phải xộ khám như thường, vì đã trót dại động đến ông “X” bí thư, ông “Y” bí tiểu và các ông đại tiện đại loại vậy vậy. Nghe lời bố, nghề báo là bạc nghệ, không chết bắn rồi con cũng chết cùm.

Không, con ơi. Con của bố cũng có tài, cũng thông minh, cũng hiểu biết, nhưng những nghề cao cả ấy, bố nói thẳng vào cái bản mặt cố chấp của con là con không làm được đâu.

Cái hạng con ấy à? Có mà làm ăn mày.

Ừ, phải đấy. Làm ăn mày là tốt nhất.

Làm ăn mày con sẽ dửng dưng thản nhiên không động khi nghe người ta chửi “Đồ ăn mày”.

Làm ăn mày thì nước có nghèo đến đâu cũng không xi nhê gì với con, vì con còn nghèo hơn cả nước.

Ăn mày không xây cầu sụp được, nên sẽ không có oan hồn cụt tay nào nửa đêm dựng con dậy đòi mạng.

Ăn mày không sáng tác nhạc nhảm được.

Ăn mày không vào tù vì ăn chặn đề án của chính phủ được.

Ồ dê.

Ăn mày vạn tuế.

Ừ.

Dù sao thì bố vẫn yêu con. Chúc con năm học mới thành tựu.

Con cũng đừng trách bố vì sao để con cái đi làm ăn mày. Thông cảm cho bố, đó chỉ là thói quen nghề nghiệp.

TL Bố,

Chính trị gia
Phan An